Thu hút đầu tư vào y tế, giáo dục

14/12/2018 - 07:04

 - Năm 2016 đến nay, toàn tỉnh thu hút 211 dự án, với tổng vốn đầu tư 45.353 tỷ đồng (giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch thu hút 25 dự án, 3.527 tỷ đồng…). Nhiều dự án đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh như: Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, Bệnh viện Sản-Nhi An Giang, Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc, Bệnh viện Mắt Long Xuyên, Trường quốc tế GIS…

Đầu tư cơ sở hạ tầng y tế

Giám đốc Sở Y tế Từ Quốc Tuấn cho biết: “Những năm qua, cơ sở hạ tầng ngành y tế được đầu tư từ ngân sách Nhà nước, nhưng nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của Nhân dân. Giai đoạn 2019-2025, để đáp ứng nhu cầu phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh theo hướng chuyên khoa hóa tuyến tỉnh, An Giang tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng y tế”.

Đó là đầu tư xây dựng Bệnh viện Tim mạch An Giang quy mô 600 giường (Thủ tướng Chính phủ đã đưa vào danh mục các dự án ưu tiên đầu tư 2011-2020, bệnh viện hạng 1 cấp vùng). Tỉnh đã quy hoạch mặt bằng dự án tại khu Tây Đại học với diện tích 6ha, tuyển chọn phương án kiến trúc, lập dự án đầu tư. UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án 2.280 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương.

Tuy nhiên, đến nay chưa được Trung ương bố trí danh mục vốn dự án này, nên An Giang đang tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cho dự án Bệnh viện Tim mạch An Giang quy mô 400 giường bệnh, với tổng mức đầu tư 1.052 tỷ đồng. Dự án đầu tư Khoa điều trị nội trú 300 giường thuộc Bệnh viện Sản-Nhi An Giang theo hình thức đối tác công- tư (PPP).

Giáo dục khởi sắc

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Trần Tuấn Khanh cho biết: “Phát huy mọi nguồn lực của xã hội chăm lo cho sự nghiệp GD&ĐT, tỉnh tiếp tục đầu tư nguồn lực tập trung kiên cố hóa trường lớp và xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới. Hệ thống trường, lớp các cấp, ngành học từ mầm non đến phổ thông đã phủ khắp 156 xã, phường, thị trấn, đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Đến nay, toàn tỉnh có 737 cơ sở GD&ĐT từ mầm non đến THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trường Đại học An Giang (145 trường đạt chuẩn quốc gia)”.

Giai đoạn 2016-2020, ngân sách Trung ương đầu tư Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh và Trường Dân tộc nội trú THCS Tịnh Biên 38 tỷ 838 triệu đồng. Vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư kiên cố hóa trường lớp học mẫu giáo, tiểu học 98 tỷ 860 triệu đồng. Từ 2013-2018, tỉnh đã thực hiện 30 công trình xây dựng phòng học, văn phòng của 19 trường…

Nguồn vốn ODA hỗ trợ đầu tư trên 10 tỷ đồng, xây dựng 40 phòng học ở 4 trường THPT; 4,1 tỷ đồng đầu tư phát triển giáo dục xây dựng nông thôn mới… Tỉnh thu hút nhiều tổ chức cá nhân đầu tư phát triển giáo dục, như: Trường Phổ thông Quốc tế GIS đầu tư 35 tỷ đồng; Trường THPT Ischool Long Xuyên 33 tỷ đồng xây trường chất lượng cao, chuẩn quốc gia.

Thời gian tới, tập trung các nguồn lực đầu tư chương trình dự án, đề án và xã hội hóa cơ sở vật chất trường học và thiết bị phục vụ chương trình thay sách phổ thông mới. Đầu tư phòng học đảm bảo đủ và dạy 2 buổi trên ngày, các phòng chức năng, nhà vệ sinh, công trình nước sạch và mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu. Đầu tư cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần nâng tỷ lệ trường chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU