Tiềm năng phát triển ở An Phú

14/12/2018 - 07:52

 - An Phú có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ (TM-DV) và du lịch, đặc biệt là kinh tế biên giới. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định, An Phú phấn đấu trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa giao thương của khu vực ĐBSCL với Campuchia và các nước Đông Nam Á vào năm 2020.

An Phú có đường biên giới giáp Campuchia trên 42km, thuận lợi giao thông thủy, bộ và có tuyến đường bộ ngắn nhất (trong các cửa khẩu) đến TP. Phnom Penh (Campuchia) khoảng 76km. Trên địa bàn huyện có 3 cửa khẩu (2 cửa khẩu quốc gia và 1 cửa khẩu phụ), có 2 tuyến giao thông chính đến Cửa khẩu Long Bình là Quốc lộ 91C và Tỉnh lộ 957. Đặc biệt, có mạng lưới chợ biên giới và các trung tâm thương mại hoạt động nhộn nhịp cùng với cầu Long Bình - Chrey Thom đã chính thức thông xe từ ngày 1-8-2017 đã thúc đẩy kinh tế biên giới phát triển (tổng giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu qua biên giới mỗi năm tăng trên 10%). Đây là điều kiện tốt để huyện tăng cường kêu gọi đầu tư vào cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Cửa khẩu Long Bình, khai thác du lịch búng Bình Thiên và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa qua biên giới.

Tiềm năng phát triển ở An Phú

Cầu Long Bình - Chrey Thom kết nối phát triển giữa Việt Nam - Campuchia và các nước trong khu vực

Có dịp đến với các trung tâm thương mại huyện An Phú sẽ thấy được tiềm năng phát triển qua hoạt động kinh tế diễn ra sôi động. Điển hình là chợ Long Bình nằm quay mặt ra cửa khẩu đầy ắp hàng hóa và cảnh mua, bán càng thêm sung túc khi tuyến đường bộ hoàn thiện dài hơn 70km đã được nước bạn Campuchia xây dựng để nối từ thủ đô Phnom Penh tới cầu Long Bình - Chrey Thom đã được thông xe. Năm 2018, doanh số toàn ngành TM-DV của huyện đạt 12.310 tỷ đồng, tăng 12,42% so cùng kỳ, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa 3.720 tỷ đồng, tăng 10,7% so năm trước. Giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu qua biên giới đạt 1 tỷ USD, tăng 198% so cùng kỳ. Hiện, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên 11%. Lĩnh vực văn hóa - xã hội và cải cách hành chính có nhiều tiến bộ, các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời; quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, mối quan hệ với các huyện giáp biên giới Campuchia được duy trì và phát triển.

Cùng với các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế cửa khẩu của tỉnh, An Phú đã ban hành và vận dụng linh hoạt nhiều chương trình, kế hoạch nhằm khai thác tốt thế mạnh, phấn đấu năm 2020 có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội đạt mức khá của tỉnh. Chủ tịch UBND huyện An Phú Mai Minh Hùng cho biết; An Phú tập trung giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh nhất, đặc biệt là các thủ tục về đất đai nhằm hỗ trợ nhà đầu tư. Tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực cửa khẩu, nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển; xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng thu hút đầu tư. Đồng thời, chú trọng phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng - an ninh, đảm bảo ổn định trật tự xã hội.

Khu TM-DV Cửa khẩu Khánh Bình có quy mô 34,42ha đang triển khai các dự án: kho ngoại quan, bãi kiểm tra hàng hóa, siêu thị, khu dịch vụ ăn uống... Sau khi các dự án hoàn thành sẽ góp phần thu hút nhiều doanh nghiệp trao đổi hàng hóa qua biên giới. Đây là động lực rất quan trọng để huyện phát huy lợi thế, tận dụng cơ hội, tạo thế và lực mới cho quá trình phát triển. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thành dự án Tỉnh lộ 957 và nâng cấp hạ tầng giao thông để đảm bảo thuận tiện cho hàng hóa lưu thông. Tiếp tục thực hiện những chủ trương, cơ chế đặc thù của UBND tỉnh về tập trung đầu tư cho phát triển vùng sâu, biên giới.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH