Xây dựng An Giang thành điểm nhấn của vùng Mekong

17/12/2018 - 07:45

 - Thu hút dòng vốn đầu tư và cam kết đầu tư hơn 132.000 tỷ đồng là một trong những dấu ấn thành công của Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang 2018. Trên cơ sở này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang tiếp tục phát huy truyền thống tự hào, vươn mình phát triển. Đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh.

Từng là thương cảng nổi tiếng thế giới

Đến dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang 2018 - hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ niềm vui khi được về thăm một trong những vùng đất huyền thoại, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh, có sức hấp dẫn bậc nhất vùng ĐBSCL. Thủ tướng cho rằng, sự thành công của hội nghị là tiền đề quan trọng để tỉnh vực dậy tiềm năng, khai thác lợi thế, đưa An Giang trở thành vùng đất phát triển năng động, phát huy vai trò cửa ngõ kết nối TP. Hồ Chí Minh, ĐBSCL với các nước ASEAN.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, qua nghiên cứu khảo cổ, vùng đất An Giang từ 2.000 năm trước đã chứng kiến sự phát triển rực rỡ và huyền bí của nền văn minh Óc Eo, là nơi có nền thương mại phát triển sôi động ở Đông Nam Á cổ xưa, là trung tâm kinh tế sầm uất, là nơi kết nối giao thương với Trung Hoa, Ấn Độ và Châu Âu. Có thể nói, vùng đất An Giang đã tham gia vào hệ thống thương mại toàn cầu từ rất sớm. Ngược lại, chính những điều kiện nêu trên đã góp phần đưa miền đất An Giang trù phú của ĐBSCL trở thành trung tâm hội tụ các giá trị văn hóa và tâm linh, hòa quyện bản sắc của cộng đồng các dân tộc: Kinh, Khmer, Chăm, Hoa và giữa các tôn giáo: Phật giáo, Hòa Hảo, Cao Đài, Công giáo, Tin lành, Tịnh độ cư sĩ, Tứ ân hiếu nghĩa, Hồi giáo…

“An Giang ngày nay không chỉ là vựa lúa, vựa cá mà còn là vùng đất linh thiêng với hệ sinh thái đa dạng hàng đầu vùng ĐBSCL. Cha ông chúng ta đã “mưu xa, nghĩ lớn” về nơi đây như một vùng biên giới vững chắc, về giao thương, hòa bình và thịnh vượng cho nhân dân. Tôi có một niềm tin vững chắc về một An Giang nối tiếp lịch sử để bước chân mạnh mẽ hơn nữa vào một giai đoạn hội nhập phát triển mới” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng.

Xây dựng An Giang thành điểm nhấn của vùng Mekong

Lãnh đạo Trung ương và tỉnh chúc mừng các doanh nghiệp đầu tư vào An Giang

Kết nối và hợp tác - những “từ khóa” thành công

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang 2018, sự quan tâm của các nhà đầu tư được thể hiện rất rõ khi có 25 dự án đã được trao chủ trương đầu tư, 4 dự án được ký biên bản ghi nhớ cam kết đầu tư và 5 dự án được trao cam kết đầu tư với hơn 132.000 tỷ đồng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong chủ đề “An Giang - Kết nối cơ hội, hợp tác thành công” của hội nghị có 2 “từ khóa” rất quan trọng là kết nối và hợp tác. “Tôi tin rằng, hội nghị hôm nay là chỉ dấu cho thấy nhiều khả năng năm 2019 và những năm tiếp theo, An Giang tiếp tục có những bứt phá quan trọng, đưa địa phương trở thành một trong những ví dụ thành công sau Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu. Là tỉnh đông dân nhất vùng, nằm ở vị trí đầu nguồn sông Cửu Long, mỗi một thành công của An Giang có ý nghĩa rất quan trọng đối với thành công của Nghị quyết 120 cũng như sức bật của toàn vùng Tây Nam Bộ” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Với tinh thần kết nối và hợp tác để thành công, Thủ tướng cho rằng, An Giang cần phát huy lợi thế được thiên nhiên ban tặng. Đó là lợi thế có 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu chảy song song gần 100km. Với phù sa màu mỡ và nguồn nước ngọt phong phú, tỉnh sẽ tiếp tục là vựa cá, vựa lúa, nguồn xuất khẩu nông- thủy sản chiến lược của cả nước. Thời gian tới, An Giang tích cực thu hút những doanh nghiệp tầm cỡ, kết hợp xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu toàn cầu cho các sản phẩm lúa, gạo, cá tra cùng các mặt hàng nông sản thế mạnh.

Cùng với lợi thế nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, An Giang chính là nét chấm phá trong bức tranh Mekong, là bảo tàng sinh thái tự nhiên và văn hóa độc đáo của ĐBSCL. Đây là nơi hội tụ, giao thoa các giá trị về lịch sử, văn hóa, tôn giáo và tâm linh, cần được bảo tồn và giới thiệu cho du khách khắp thế giới biết đến. “Vừa rồi, tôi làm việc với Tập đoàn tư vấn nổi tiếng BCG của Mỹ về mục tiêu đưa Mekong trở thành điểm đến sông nước số 1 Châu Á. Khi họ trình bày ý tưởng, tôi nghĩ ngay đến lợi thế của An Giang trong phát triển du lịch. Sứ mệnh của tỉnh là phải mở mang tầm nhìn của du khách về vẻ đẹp tiềm ẩn của Việt Nam” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý.

Tháo gỡ vướng mắc giao thông

Là một tỉnh nông nghiệp trọng điểm, hạt gạo, con cá do nông dân và doanh nghiệp An Giang nuôi trồng đã đi khắp thế giới. An Giang được biết đến là cửa ngõ quan trọng của ĐBSCL, hướng về thị trường Campuchia, toàn bộ thị trường ASEAN và hàng chục nước ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Về mặt tự nhiên, An Giang là tỉnh duy nhất ở ĐBSCL có dãy Thất Sơn hùng vĩ, vừa có núi rừng, vừa có đồng bằng trù phú. “Việc hình thành 7 ngọn núi giữa vùng ĐBSCL thẳng cánh cò bay là sự hàm chứa giá trị tâm linh đậm chất phương Đông trong một vùng đất có sự giao thoa về tôn giáo và tín ngưỡng. Điều này rất hấp dẫn du khách. Đối với các nhà đầu tư, đây là yếu tố phong thủy rất tốt cho sự phát triển bền vững” - Thủ tướng phân tích.

Nhân Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến An Giang đầu tư, tạo ra nhiều của cải cho xã hội, trong đó có phần lợi nhuận của doanh nghiệp, công ăn việc làm, thu nhập của người dân và tạo nguồn thu ngân sách cho tỉnh. “Các doanh nghiệp cũng cần nói đi đôi với làm, quyết tâm làm ăn bền vững, cùng An Giang thực hiện tốt tam giác phát triển (kinh tế, xã hội và môi trường). Chính phủ sẽ giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư” - Thủ tướng khẳng định.

Một trong những vấn đề được nhắc lại nhiều lần tại hội nghị là hạ tầng giao thông cho An Giang nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung còn nhiều khó khăn, gây cản trở phát triển. Để tháo gỡ vướng mắc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố cho các nhà đầu tư định hướng quy hoạch giao thông cho vùng ĐBSCL với 4 phương thức vận tải, mong muốn “phải tìm cách làm đại lộ để có đại phú”. Về đường bộ, đối với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 54km, Chính phủ đang tháo gỡ vướng mắc cơ chế chính sách về lãi suất cho dự án để bảo đảm tiến độ cơ bản thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2020, hoàn thành vào năm 2021. “Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ đến Cà Mau là tuyến tôi day dứt rất nhiều. Tôi đã cùng thảo luận với các thành viên Chính phủ để sớm có tuyến đường này, đáp ứng mong mỏi của nhân dân ĐBSCL” - Thủ tướng bày tỏ. Đối với cầu Vàm Cống, sẽ khắc phục sự cố nứt dầm và hoàn thành thi công toàn bộ khối lượng còn lại trong tháng 3-2019. “Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi 51km cũng sẽ sớm hoàn thành để kết nối tuyến đường 4 làn xe dài 84km từ Đồng Tháp về Kiên Giang qua cầu Vàm Cống” - Thủ tướng bày tỏ.

Riêng đối với An Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã đề xuất và được Quốc hội ghi vốn bổ sung tuyến tránh Quốc lộ 91 qua TP. Long Xuyên vào vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2015-2020 từ vốn vay ADB. Dự án đang xúc tiến các thủ tục triển khai, phấn đấu hoàn thành vào năm 2023. “Khi lên TX. Tân Châu dự khánh thành khu sản xuất cá tra giống chất lượng cao, tôi có đi qua tuyến Quốc lộ 91 nối Long Xuyên - Châu Đốc. Tôi giao Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu khả thi xây dựng tuyến cao tốc dài 55km kết nối 2 thành phố động lực của An Giang” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội sửa Luật Đất đai 2013 theo hướng cho phép tích tụ ruộng đất, phục vụ sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao. Đây là đòi hỏi của nền nông nghiệp hiện đại, nhất là những địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn như An Giang.

NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích