“Cao thủ” leo dừa vùng Bảy Núi

02/02/2024 - 05:43

 - Chỉ trong nháy mắt, anh Chau Ri (40 tuổi, ngụ xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) leo thoăn thoắt lên tới đọt dừa cao vút mà không cần sự hỗ trợ của bất cứ công cụ nào. Nhà vườn ở núi Dài phong cho anh là “cao thủ” leo dừa trứ danh vùng Bảy Núi.

“Ăn cơm dưới đất, làm chuyện trên trời”

Lâu nay, nhắc đến vùng Bảy Núi, người ta thường nghĩ đến hình ảnh cây thốt nốt đứng hiên ngang giữa đất trời. Tuy nhiên, cây dừa vẫn thích nghi, chịu hạn tốt ở vùng triền núi khô cằn này.

Ông Hùng (70 tuổi, một nhà vườn dưới chân núi Dài, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) bày tỏ, những cây dừa được trồng từ đời cha, đời ông truyền lại cho con cháu, đến nay tính sơ sơ đã hơn 60 năm. Từng cây có độ cao trên 30m, mỗi lần thu hoạch trái, người dân chỉ biết nhờ vả những người biết leo dừa.

Nếu như cây thốt nốt được bà con sử dụng thanh tre rừng bắc thang để thu hoạch mật hoặc trái thì từ trước đến nay, chưa thấy ai sử dụng công cụ nào bắc thang leo trèo lên cây dừa. Bà con vùng Bảy Núi nói rằng, thân cây dừa cao vút, nhiều cây có độ cong nên không có cách nào bắc thang lên tận đọt.

Tuy nhiên, đối với anh Chau Ri (xã Lương Phi), việc leo lên đọt dừa hái trái không cần thang dễ như trở bàn tay. Ngước nhìn ngọn dừa chờ thu hoạch thành quả của mình, ông Hùng khẳng định, cả xóm này duy nhất chỉ Chau Ri mới có “biệt tài” leo dừa nhanh như khỉ vậy. Bà con trong xóm ví von, lâu nay Chau Ri “ăn cơm dưới đất, làm chuyện trên trời”.

Niềm vui của anh Chau Ri sau khi leo thu hoạch dừa tươi

Chỉ tay về cây dừa cao chót vót, ông Hùng tặc lưỡi khen: “Nó leo giỏi lắm! Nhà tôi trồng hơn 100 cây dừa, không ai dám leo. Quanh năm, chỉ nhờ Chau Ri leo hái trái để bán cho tiểu thương. Nếu không có Chau Ri, làm sao thu hoạch dừa tươi bán kiếm thêm thu nhập. Dừa khô thương lái mua rất rẻ”.

Mỗi cây dừa của ông Hùng thân suôn đuột, cao vút, gió lướt ngang đu đưa trông phát khiếp. “Nhằm nhò gì anh ơi, thân dừa dẻo lắm! Chỉ cần dùng 2 tay bám chặt thân cây, rồi đạp 2 chân leo lên dễ ợt” - Chau Ri nói.

“Nghề” nguy hiểm

Theo những bậc cao niên vùng Bảy Núi, leo dừa cũng được xếp vào những “nghề” nguy hiểm. Bởi, trong quá trình “hành nghề”, nếu sơ sẩy trượt tay, trượt chân sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Anh Chau Ri trần tình, leo dừa sợ nhất là gặp mưa, giông đột ngột, lúc đó đang ở trên cao rất nguy hiểm. Tính đến nay, anh sống bằng nghề leo dừa hơn 20 năm. Hồi nhỏ, anh theo những người leo thốt nốt tập tành “học lóm” leo cây.

Thời gian sau, Chau Ri leo thốt nốt thuê, kiêm luôn thợ cưa cây mướn cho người ta. Sau đó, anh thấy bà con có nhu cầu bẻ dừa bán cho tiểu thương, rồi chuyển sang bám cái “nghề” leo dừa kiếm sống cho tới bây giờ. “Ngày nào cũng có nhà vườn trên núi nhờ leo bẻ dừa tươi. Leo mỗi cây được nhà vườn trả công 40.000 đồng. Hàng ngày, tôi leo hơn 20 cây, thu nhập vài trăm ngàn đồng” - anh Chau Ri khoe.

Vào những ngày này, anh Chau Ri “chạy sô” bẻ dừa không kịp nghỉ ngơi, do bà con nhà vườn trên núi thường xuyên điện thoại liên lạc hối thúc thu hoạch trái bán Tết. Để đem được những quày dừa nặng trịch xuống tận mặt đất, Chau Ri sử dụng sợi dây thừng thả từ trên cao xuống.

Cứ thế những trái dừa trên đọt cao sẽ được anh hái đem xuống tận nơi mà không hư trái nào. Ông Hùng cho biết, hiện nay thương lái thu mua dừa 3.000 đồng/trái, nhưng họ rất khó tính. Trái dừa nào rơi từ độ cao xuống mặt đất bị móp chút xíu cũng bị họ trả lại.

Do đó, Chau Ri phải dùng dây chuyền từng quầy dừa cho chủ vườn. Có kinh nghiệm trong “nghề” leo dừa nên những quầy dừa được Chau Ri thu hoạch rất cẩn thận. Khi hái dừa xong, Chau Ri còn tích cực đạp, sửa những bẹ dừa để  “lưỡi mèo” (bông dừa) tiếp tục mọc ra và cho sai trái. Với cách làm này, Chau Ri được nhà vườn “thưởng nóng” những quầy dừa tươi ngọt ngào, thanh mát.

Tuột từ trên cao xuống, người đàn ông Khmer cho hay, nhờ “nghề” leo dừa mà anh có thu nhập ổn định. Thừa biết nguy hiểm, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, anh phải chấp nhận bám “nghề”, khỏi phải rời quê lên phố tìm kiếm việc làm vất vả.

“Trước đây, mỗi lần leo lên tới ngọn dừa nhìn xuống rất hồi hộp và chóng mặt. Leo riết quen, không còn sợ độ cao nữa. Thấy đơn giản vậy, nhưng leo dừa mệt lả. Do cả thân người chỉ phụ thuộc vào cánh tay ôm chặt thân cây, khi lên tận ngọn phải xách những quầy dừa rất nặng” - anh Chau Ri thật tình.

Mỗi buổi sáng, trên chiếc xe gắn máy, Chau Ri len lỏi qua phum, sóc, nhiều lúc anh còn chạy lên núi để bẻ dừa thuê. “Nhà vườn trồng dừa trên núi rất nhiều. Những cây dừa ở đó cao, thon, rất khó leo. Do đó, nhà vườn nhờ tôi đến bẻ bán cho thương lái. Nhiều khi những hộ trên núi nhờ tôi bẻ dừa, sau đó chia đôi thành quả thu hoạch được” - Chau Ri cười khục khặc.

Ông Hùng kể, ngày trước tại khu vực núi Dài còn có anh Chau Tút leo dừa “siêu đẳng”. Bà con trong xóm ai cũng ngạc nhiên khi thấy Chau Tút leo dừa nhanh như sóc. Những cây dừa ở vùng Bảy Núi thân ốm nhách, rất khó leo vậy mà Chau Tút nhảy thoắt lên thân dừa rồi 2 tay, 2 chân trồi đạp đến tận ngọn chỉ trông chớp mắt. Về sau, Chau Tút trúng số độc đắc, rồi bỏ “nghề” leo dừa thuê.

“Giờ đây, tại vùng núi này có thêm một “thánh” leo dừa xuất hiện. Nhờ vậy, bà con trồng dừa không bị động chuyện bẻ dừa bán cho tiểu thương. Ngày trước, dừa đến ngày thu hoạch, không có người leo bẻ nên dừa già, rồi rụng bán không được bao nhiêu tiền” - ông Hùng bày tỏ.

Gia cảnh anh Chau Ri không dư dả, nên anh rất siêng năng. Hằng ngày, anh rong ruổi khắp các ngọn núi leo dừa thuê cho nhà vườn. Hôm nào leo nhiều, anh kiếm được vài trăm ngàn đồng đủ lo gia đình. Có hôm, nhà vườn không có tiền trả công leo dừa, anh đành phải chờ hôm sau bà con bán dừa xong thì mới nhận tiền. “Nghề” leo dừa là vậy, vừa gian truân, vừa nguy hiểm, nhưng có chút thu nhập và rất vui vì được nhà vườn quý mến.

HOÀNG MỸ