“Cây tre Việt Nam”

24/03/2023 - 07:04

 - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mượn hình ảnh cây tre - biểu tượng rất mộc mạc, dung dị mà thân thuộc với người Việt Nam, để gửi gắm thông điệp mang triết lý sâu sắc nhưng vô cùng gần gũi, thiết thực đối với ngành đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam: Trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”.

Trường phái ấy được nhắc đến tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 14/12/2021. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao Cây tre Việt Nam”.

Theo Tổng Bí thư, cây tre Việt Nam có “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam: “Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”.

Truyền thống ngoại giao này không mới. Ngược lại, đã kế thừa truyền thống ngoại giao của cha ông ta để lại ngàn năm: Đầy hào khí, giàu nhân văn, hòa hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân để thay cường bạo”... Đó là “những tư tưởng, triết lý vượt thời đại của cha ông ta, mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị”. Đồng thời, bổ sung thêm nhiều yếu tố linh hoạt, sáng tạo, tìm ra phương cách mới để thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển kinh tế, nâng cao vị thế và gia tăng tiềm lực đất nước.

Tinh thần đầy hào khí, giàu tính nhân văn ấy một lần nữa được người dân Việt Nam thể hiện trọn vẹn. Đầu tháng 2/2023, trận động đất 7,8 độ richter kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng, hàng trăm ngàn người bị thương, hàng chục ngàn công trình bị phá hủy. Thổ Nhĩ Kỳ ban bố tình trạng khẩn cấp tại 10 tỉnh, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam nhanh chóng đáp lời, bằng cách cử 100 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tham gia hỗ trợ. Đoàn trao tặng gần 2 tấn thiết bị y tế; thăm hỏi, tặng quà, động viên tinh thần người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi động đất, hỗ trợ vật dụng sinh hoạt trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ, đi suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, nhất là trong giai đoạn đổi mới, hội nhập quốc tế, đất nước ta ngày càng có vị thế quan trọng và đóng góp tích cực trên trường quốc tế. Tiếp nối các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, đoàn công tác cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ lần này có thêm ý nghĩa, không chỉ cụ thể hóa chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và nhà nước ta “Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế”, mà còn là minh chứng khẳng định năng lực tham gia và khả năng hoàn thành các nhiệm vụ quốc tế của lực lượng vũ trang Việt Nam, kể cả khi tác chiến tại địa bàn xa xôi, nhiều khó khăn, chưa có tiền lệ; truyền tải thông điệp về đất nước, con người Việt Nam thân thiện, nhân ái, nghĩa tình, nhân đạo, đoàn kết quốc tế cao cả.

Thấm nhuần và phát huy phương pháp "ngoại giao cây tre", nắm vững nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; luôn “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế” để “cương nhu kết hợp” vì lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc. Mục tiêu bao trùm của công tác đối ngoại hiện nay là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chính đáng phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới tại An Giang, thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI)” của Trung ương) nhiều lần nhắc đến “dựng nước đi đôi với giữ nước” và “ngoại giao cây tre”. Tư duy bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa của đất nước có nhiều cách thực hiện sáng tạo, thay đổi, phù hợp tình hình trong nước và quốc tế. Độc lập, tự chủ và trung lập, chỉ đứng về lẽ phải là điều Việt Nam đang kiên định thực hiện.

Ở mỗi giai đoạn phát triển, đất nước ta đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn trong thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các thế lực thù địch tăng cường chống phá trên mọi lĩnh vực; tranh chấp chủ quyền biển, đảo vẫn là vấn đề đáng quan tâm, lo ngại. Hiện nay, các thách thức an ninh phi truyền thống có xu hướng gia tăng, nhất là về thiên tai, thảm họa môi trường, dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định. Kế thừa truyền thống, kinh nghiệm vô cùng quý báu từ tiền nhân, thấm nhuần triết lý "ngoại giao cây tre", Việt Nam tiếp tục xây dựng cơ đồ ngày càng vững chắc. Đó là niềm tin khởi phát từ thực tế, từ những điều Việt Nam đã và đang thực hiện.

T.M

 

Liên kết hữu ích