“Cố gắng lên, con ơi!”

27/02/2020 - 19:39

 - Tuần trước, tôi có dịp tham gia “hành trình đặc biệt” với các thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự tại Lữ đoàn 950 (huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang). Tuần này, tôi trở lại Phú Quốc, cũng tham gia một hành trình đặc biệt không kém: cùng người nhà đi thăm tân binh. Nếu chuyến đi trước là khởi đầu cho sự trưởng thành, rèn luyện của các chiến sĩ mới, thì chuyến đi sau đong đầy tình cảm gia đình - hậu phương vững chắc của chiến sĩ.

Phạm Văn Tú (18 tuổi, ngụ xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) là con một, đã thi đậu đại học, nhưng vẫn lên đường nhập ngũ. Cả tuần nay, căn nhà ở quê chỉ còn vợ chồng ông Phạm Văn Phường (59 tuổi) “đi ra, đi vào”. Địa phương thông báo: 2 giờ sáng 22-2, vợ chồng ông được tham gia cùng 29 gia đình quân nhân ở phường Bình Đức và xã Mỹ Hòa Hưng thăm chiến sĩ mới. Vợ ông bị say tàu xe, không thể đi cùng, nên ông thăm con một mình. Đêm trước khi đi, ông có ngủ được đâu, trằn trọc chờ đến giờ xuất phát, vượt quãng đường dài vừa ngồi xe, vừa ngồi phà 8-9 tiếng đồng hồ. Dặn lòng phải bình tĩnh, phải cứng cỏi, nhưng giây phút đầu tiên thấy mặt con, ông vẫn đong đầy cảm xúc, chất chứa trong đôi mắt đỏ hoe. Mới mấy ngày không gặp, Tú đã... đen hơn, mập mạp hơn, trông chững chạc hơn. Ông có biết bao lời muốn nói, giờ chỉ gói gọn lại trong câu động viên: “Cố gắng lên, con ơi!”.

Sẽ chẳng có tình cảm nào tràn đầy, dịu dàng và thiêng liêng bằng tình cảm gia đình. Suốt quá trình di chuyển từ Long Xuyên đến Phú Quốc và ngược lại, câu chuyện giữa các gia đình, giữa các cá nhân trong gia đình đều xoay quanh chàng trai của họ vừa nhập ngũ, trông khác biệt thế nào khi mặc đồ bộ đội, đã tiếp cận môi trường quân ngũ như thế nào suốt 1 tuần qua. Khi xe dừng lại trong khuôn viên doanh trại Tiểu đoàn Bộ binh 860, người nào cũng tay xách nách mang thức ăn, vật dụng, mà vẫn còn tiếc vì... không thể đem theo nhiều hơn. Họ được tạo điều kiện cùng các tân binh ăn cơm chung trong 2 ngày. Món ăn nào cũng chất đầy tình cảm của hậu phương: “Ăn đi con, cá này ngon nè, sáng mẹ đi chợ sớm mua được”, “Ăn nhiều vô chút, cho có sức làm bộ đội”...

Cảm xúc ngày gặp lại của gia đình các chiến sĩ mới

Sau những cái ôm, cái nắm tay, sau những nụ cười hạnh phúc, không thể thiếu những đôi mắt đỏ hoe như ông Phường. Nhưng ngày gặp lại đã xóa đi không ít bất an, lo lắng, nhớ thương. Hơn 80 tuổi, bà Trương Thị Cừu (ngụ xã Mỹ Hòa Hưng) từng tiễn con trai lên đường nhập ngũ, nay tiễn đứa cháu ngoại Nguyễn Quốc Khánh lên đường. Mỗi gia đình chỉ được 2 người đi thăm tân binh, bà đăng ký 1 suất ngay, dù các con cháu khuyên can. Đường xa, trẻ tuổi như tôi còn mệt, vậy mà bà vẫn từng bước vững vàng, cùng chiếc lưng cong chầm chậm đi thăm cháu. Gặp cháu rồi, bà mỉm cười đôn hậu, lặng lẽ nghe cháu kể chuyện những ngày qua. “Nhớ nó lắm chứ, nhưng khi gặp, tôi yên tâm hết sức. Cháu được ăn uống đầy đủ, doanh trại sạch sẽ, rộng rãi, có đồng đội, cấp trên quan tâm giúp đỡ, điều kiện nhập ngũ như vậy là quá tốt rồi. Chỉ mong cháu nhanh chóng quen với cuộc sống mới, chấp hành quy định trong quân đội, hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến sĩ” - bà Cừu bày tỏ, trìu mến nhìn Quốc Khánh.

Thượng úy Nguyễn Công Khanh (Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 860) thông tin: “Doanh trại hiện đang xây dựng, điều kiện tiếp đón thân nhân chiến sĩ chưa thật sự ổn thỏa, nên chúng tôi trưng dụng nhà văn hóa để các gia đình gặp gỡ chiến sĩ. Quá trình gặp gỡ này nhằm tạo sự gắn kết, phối hợp trong quá trình giáo dục, rèn luyện chiến sĩ mới giữa gia đình và đơn vị đóng quân. Hơn nữa, 3 tháng tân binh là thời điểm quan trọng nhất, bản lề nhất để thực hiện các giai đoạn tiếp theo của một chiến sĩ, đặc biệt là khi bước vào huấn luyện cường độ cao. Nếu có vấn đề gì liên quan đến tư tưởng, sức khỏe, tâm lý của chiến sĩ, chúng tôi rất mong gia đình kịp thời thông tin, cùng nhau tháo gỡ, giải quyết. Người thân sẽ có dịp gặp lại tân binh trong lễ tuyên thệ chiến sĩ mới, chứng kiến dấu ấn trưởng thành của một quân nhân trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự. Rất mong bà con tiếp tục tham gia buổi lễ ấy, động viên con em mình cố gắng hơn nữa trong giai đoạn sắp tới”.

Được gặp lại gia đình sau 1 tuần nhập ngũ, các chiến sĩ mới như trưởng thành hơn, thấu hiểu hơn tấm lòng của cha mẹ, ông bà. Họ luôn được bao dung, yêu thương, chăm sóc hết mực, dù đã lớn, dù đã trở thành quân nhân. Do vậy, họ phải mạnh mẽ, vững vàng trong môi trường quân ngũ, để không phụ lòng gia đình và địa phương kỳ vọng. Để những ngày gặp lại sau đó, vẫn trọn vẹn niềm vui và ấm áp như hôm nay!

Năm 2020, Lữ đoàn 950 được Quân khu 9 giao chỉ tiêu nhận 320 chiến sĩ mới: TP. Cần Thơ (80 chiến sĩ), An Giang (150 chiến sĩ), Cà Mau (90 chiến sĩ). Tại An Giang, các chiến sĩ mới được gọi nhập ngũ thuộc huyện Phú Tân, Chợ Mới, TX. Tân Châu và TP. Long Xuyên. Tỉnh An Giang là địa phương duy nhất có chủ trương tổ chức đưa thân nhân đi thăm các chiến sĩ mới ở Lữ đoàn 950 sau ngày nhập ngũ; hỗ trợ toàn bộ chi phí đi lại, sinh hoạt, ăn uống của các thân nhân này (mỗi gia đình quân nhân được tham gia 2 người trong chuyến đi).

GIA KHÁNH