“Cuộc chiến vì chính nghĩa”

07/01/2019 - 07:30

 - Đó là khẳng định của đồng chí Lê Khả Phiêu (nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng) khi nhắc đến chiến tranh biên giới Tây Nam.

Đã 40 năm kể từ ngày diễn ra Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979 – 7-1-2019). “Một lần nữa, chúng ta có thể tự hào khẳng định rằng: đó là cuộc chiến tự vệ, cuộc chiến vì sự nghiệp chính nghĩa, là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết chiến đấu thủy chung, trong sáng giữa 2 dân tộc Việt Nam - Campuchia” - lời của đồng chí Lê Khả Phiêu.

Tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xary với đường lối cực kỳ phản động, đẩy dân tộc Campuchia lâm vào họa diệt chủng; đồng thời kích động, xâm lược, lấn chiếm lãnh thổ và gây nhiều tội ác với nhân dân Việt Nam trên biên giới Tây Nam. An Giang là 1 trong những tỉnh bị ảnh hưởng to lớn. Khi quân dân tỉnh nhà đang cùng cả nước bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội, Pôn Pốt tiến hành các hoạt động gây rối, xâm lấn lãnh thổ Việt Nam từ tháng 5-1975. Ngày 30-4-1977, trong lúc Đảng, chính quyền và quân dân An Giang đang hân hoan kỷ niệm 2 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, chính quyền Pôn Pốt lợi dụng trời tối, ém sẵn quân trên đất ta. Nửa đêm, chúng đồng loạt tấn công vào 14 xã biên giới, gây nên cảnh tang thương. Trên 200 người chết, 600 người bị thương; 600 căn nhà, 33.000 giạ lúa, 100 con trâu, bò, hàng trăm máy móc, tàu ghe của nhân dân bị đốt cháy. Các lực lượng vũ trang (LLVT) tại chỗ của tỉnh đã chiến đấu quyết liệt. Đến sáng hôm sau, LLVT tỉnh được sự hỗ trợ của trên, đã đánh địch và đẩy chúng về bên kia biên giới.

Cuối năm 1977, An Giang hoàn thành nhiệm vụ chuyển địa phương sang thời chiến. Ngày 4, 5-1-1978, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ (mở rộng) để xác định chủ trương xây dựng LLVT tỉnh và lãnh đạo nhiệm vụ chiến đấu. Qua đó, xác định: một trong những vấn đề cấp bách và có ý nghĩa đặt ra là phải có LLVT nhân dân mạnh về chính trị, tổ chức và trình độ chiến thuật, kỹ thuật để làm cho kỳ được nhiệm vụ tiêu diệt địch trong bất kỳ tình huống nào. Chủ trương của Tỉnh ủy đã động viên quân và dân An Giang quyết tâm đứng lên bảo vệ biên giới của Tổ quốc. Sau khi được tăng cường lực lượng, đáp lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, đêm 21 rạng sáng 22-12-1978, An Giang vinh dự được Quân khu giao nhiệm vụ nổ súng trước, nhằm thu hút địch, tạo điều kiện cho lực lượng của Quân khu thọc sâu hướng Lộ 2 - Takeo (Campuchia). Ngày 7-1-1979, lực lượng ta đã làm chủ từ biên giới lên Takeo; các hướng khác đã đánh địch bật khỏi biên giới.

Trong cuộc chiến ấy, An Giang đã chịu nhiều tổn thất cả về người và tài sản. Điển hình nhất là vụ tàn sát dã man hơn 2.000 người dân (đa số là phụ nữ và trẻ em) ở chùa Phi Lai, Ba Chúc (Tri Tôn). “Sau thảm sát, Ba Chúc chỉ còn lại là một vùng đất tan hoang với những nỗi đau thương đến tận cùng. Một số người sống sót thì mất người thân, không dám trở về quê vì bị ám ảnh bởi những ký ức kinh hoàng của cuộc thảm sát. Nhiều người dân chạy giặc trở về đối diện với muôn vàn khó khăn: không nhà cửa, trâu bò vật nuôi bị giết hết, hoa màu vườn tược bị phá nát” - PGS.TS Trần Thị Thanh Vân và Lê Hoàng Kháng (Trường Đại học Sài Gòn) đã ghi nhận như thế trong bài nghiên cứu của họ.

Thế nhưng, An Giang nói chung, Ba Chúc nói riêng đã mạnh mẽ vượt qua, đứng lên chiến đấu đến cùng. Tỉnh đã huy động được 10.300 lượt dân công hỏa tuyến để đào chiến hào, tải đạn, tải thương; huy động 17.800 lượt thanh niên xung phong; huy động 21.291 lượt người xây dựng tuyến làng xã chiến đấu, hàng trăm ngàn ngày công lao động, đào đắp trận địa pháo, giao thông hào, cài cắm 12 triệu mũi chông tre; huy động 3.346 lượt công nhân ngành giao thông điều khiển tàu, xe vận chuyển phục vụ chiến đấu. Trong điều kiện vừa có chiến tranh, vừa bị mất mùa do lũ lớn năm 1978, tỉnh vẫn đảm bảo đủ chế độ tiêu chuẩn cho cán bộ, chiến sĩ đủ ăn để chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Sau cuộc chiến, Tỉnh ủy đề ra nhiều nhiệm vụ cấp bách để giúp người dân ổn định đời sống; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp.

“Nhìn lại chặng đường đã qua, đặc biệt là soi rọi lại lịch sử cuộc chiến tranh, trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, Đảng bộ và chính quyền An Giang đúc kết được những bài học quý về chủ trương, giải pháp ổn định đời sống, duy trì sản xuất, góp phần vào chiến thắng vẻ vang. Đồng thời, đây là nền tảng thực tiễn bổ sung lý luận trong việc hoạch định đường lối, chủ trương về xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân trong giai đoạn hội nhập và phát triển” - Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh khẳng định.

“Thắng lợi to lớn đó là sự tổng hòa của nhiều nhân tố, trước hết là sự lãnh đạo nhạy bén, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự chỉ đạo tập trung, kiên quyết và chính xác của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Đó còn là thắng lợi của nghệ thuật huy động sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh yêu chuộng hòa bình và công lý của nhân dân thế giới”- thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhận định.

GIA KHÁNH