“Đả thông tâm tư” về bảo hiểm y tế

29/12/2022 - 06:58

 - Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách trụ cột trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, muốn thúc đẩy lộ trình BHYT toàn dân, cần tháo gỡ vướng mắc từ thực tế khám, chữa bệnh (KCB) BHYT, “đả thông” băn khoăn của người dân.

Trao tặng bảo hiểm y tế cho học sinh TP. Long Xuyên

Vừa làm vừa gỡ

Ông Phan Thanh Sơn (ngụ huyện Tịnh Biên) nêu vấn đề: “Nhà nước vận động mua BHYT toàn dân, mục đích chia sẻ giữa người mạnh khỏe với người khó khăn chẳng may bị bệnh. Qua thực tế, KCB bằng BHYT còn nhiều bất cập, như: Một số thuốc ngoài danh mục BHYT, buộc người dân phải mua thêm. Chỉ được điều trị trong ngày, giờ hành chính, trừ trường hợp cấp cứu; thủ tục nhiêu khê, rườm rà, mất thời gian; có sự phân biệt giữa KCB BHYT và KCB dịch vụ… Vì vậy, tâm lý một bộ phận người dân không muốn mua BHYT. Theo tôi, có thể nâng mức phí BHYT lên một tí, nhưng thông tuyến cấp tỉnh, thành phố; người bệnh được điều trị cho đến khi hết bệnh, không phải mua thuốc ngoài danh mục BHYT”.

Gần đây, trung tâm y tế, cơ sở KCB của nhà nước hầu hết bị vướng cơ chế vượt trần chi bảo hiểm. Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Phạm Thành Nhơn chia sẻ: “Vấn đề này diễn ra khá gay gắt ở địa phương. Do đó, chúng tôi phản ánh và làm việc tích cực với các cơ quan liên quan để cùng tháo gỡ. Rất may, Chính phủ ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP, ngày 5/11/2022. Đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã được quyết toán hơn 50%”.

Theo đó, Nghị quyết 144 cho phép quyết toán, thanh toán chi phí KCB BHYT năm 2021 bằng chi phí KCB BHYT theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở KCB, sau khi đã được cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) giám định theo quy định Khoản 2, Điều 32 Luật BHYT 2008 (sửa đổi năm 2014). Tiền khám bệnh, tiền giường và tiền dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm, máu, chế phẩm máu đã được sử dụng cho người bệnh trong phạm vi hưởng và mức hưởng của người tham gia BHYT được quyết toán, thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng và mức giá hiện hành...

Một số cử tri huyện Thoại Sơn đề nghị, khi đã nộp tiền mua BHYT thì phải có hiệu lực ngay sau đó, hoặc chậm nhất sau 24 giờ, không nên kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia. Về vấn đề này, BHXH tỉnh giải đáp, thẻ BHYT học sinh, sinh viên (HSSV) được cấp hàng năm (theo năm tài chính). Đối với học sinh lớp 1, sinh viên năm 1, thẻ có giá trị sử dụng từ ngày 1/10 đến cuối năm tài chính. Đối với học sinh lớp 12, sinh viên cuối khóa, thẻ có giá trị sử dụng đến ngày 30/9 hoặc ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.

Thẻ BHYT của người thuộc hộ gia đình có giá trị sử dụng từ ngày nộp tiền nếu tham gia liên tục, đóng tiền trước khi thẻ BHYT cũ hết hạn; có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày đóng tiền (nếu tham gia BHYT lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính). Khắc phục tình trạng người tham gia BHYT bị gián đoạn quá trình tham gia, BHXH tỉnh chỉ đạo đơn vị trực thuộc thông tin kịp thời, đề nghị người tham gia mua thẻ BHYT trước khi thẻ cũ hết hạn.

Chưa thông bảo hiểm y tế học sinh

Rất nhiều người dân chưa đồng tình việc bắt buộc HSSV mua BHYT tại trường học. Ông Nguyễn Tấn Chức (ngụ huyện Tịnh Biên) băn khoăn, trước đây, BHYT gia đình mua theo thang bậc. Được giảm dần theo số lượng thành viên trong gia đình như thế, mà người dân còn chưa mua nổi, chỉ tập trung mua BHYT cho người cao tuổi. Người khỏe, tạm thời “ráng chịu”.

“Giờ, học sinh bắt buộc mua BHYT tại nhà trường, trong khi chỉ giảm 30%. Như vậy, 1 học sinh phải đóng hơn 560.000 đồng. Tính ra chỉ 49.000 đồng/tháng, con số nghe qua tưởng nhỏ, nhưng nhà đông con cháu khó khăn lắm! Tôi mong Quốc hội, Chính phủ xem xét quy định mua theo thang bậc như cũ đối với gia đình đông con cháu. Hoặc có chế độ miễn giảm BHYT đối với học sinh từ cấp 1 đến THPT cả nước, vì độ tuổi này đều phụ thuộc gia đình” - ông Chức đề xuất.

Về vấn đề này, ông Phạm Thành Nhơn bày tỏ thêm: “Chỉ tiêu tỉnh giao cho huyện Tịnh Biên là phải đạt BHYT toàn dân 96%, kể cả HSSV. Huyện ủy, HĐND huyện đưa ra chỉ tiêu 90%. Đến nay, chỉ tiêu của huyện thì huyện đạt, còn chỉ tiêu của tỉnh đành bị vướng. Toàn huyện có trên 400 học sinh hộ nghèo, cận nghèo chưa mua được BHYT. Địa phương vận động tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, giáo viên… mua BHYT cho các em. Địa phương mong cấp có thẩm quyền quan tâm, tháo gỡ trong thời gian tới”.

Theo Giám đốc BHXH tỉnh An Giang Đặng Hồng Tuấn, theo Luật BHYT, HSSV thuộc nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, không thuộc nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình. Khoản 2, Điều 13 Luật BHYT quy định: “Trường hợp 1 người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định”.

“HSSV thuộc đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT tại nhà trường. Vì vậy, để công tác thu BHYT HSSV đúng quy định, từ tháng 11/2021, BHXH tỉnh đã có văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, trong năm học 2022-2023 vẫn còn một số HSSV tham gia theo hộ gia đình. Nếu thẻ BHYT còn hạn sử dụng thì tiếp tục sử dụng đến hết. Sau đó tuyên truyền, để HSSV tham gia tại nhà trường. Đối với HSSV đang tham gia BHYT hộ gia đình, mà đăng ký tham gia tại nhà trường theo đúng quy định, thì cơ quan BHXH hoàn trả số tiến BHYT hộ gia đình trùng với BHYT học sinh” - ông Đặng Hồng Tuấn thông tin.

Tính ưu việt của BHYT, đa phần người dân đã rõ, “mua khi lành, để dành khi ốm”. Tuy nhiên, cần xem xét tháo gỡ, “đả thông” những vấn đề người dân còn băn khoăn, vướng mắc, ở góc độ chủ trương, chính sách lẫn quá trình áp dụng vào thực tế.

AN KHANG

 

Liên kết hữu ích