
Bị cáo Trần Văn Thuận tỏ ra ân hận tại tòa
Từ tiếng loa đến… vòng lao lý
Khoảng 8 giờ, ngày 11/6/2023, Trần Văn Thuận (42 tuổi, ngụ đặc khu Phú Quốc) và Võ Văn Quý tổ chức nhậu tại nhà cùng bạn bè. Nhậu được một lúc, Thuận say và ngủ tại bàn. Vốn là người hay ca hát mỗi khi say, Quý kêu người mang loa kẹo kéo đến, bật nhạc hết công suất, hát hò không ngớt. Thuận đang ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng hát vang vọng của Quý, anh không thể ngủ tiếp. Thuận yêu cầu Quý ngưng hát vì quá ồn, 2 bên lời qua tiếng lại rồi xảy ra cãi vã. Thuận tức giận bỏ đi…
Những tưởng mâu thuẫn dừng lại ở đó, nhưng vài giờ sau, 2 người hẹn gặp nhau để “giải quyết”. Thuận mang theo 2 con dao, nhanh chóng chạy đến điểm hẹn với cơn giận chưa nguôi. Khi gặp Quý, Thuận bất ngờ rút dao đâm một nhát vào ngực khiến Quý tử vong tại chỗ. Sau khi gây án, Thuận rời khỏi hiện trường và đến công an đầu thú…
Tại tòa, Thuận thừa nhận hành vi sai trái, nhưng biện minh rằng do bị kích động bởi tiếng ồn quá lớn, cộng với men rượu khiến bản thân mất kiểm soát. Gương mặt người đàn ông 42 tuổi cúi gằm, liên tục xin lỗi gia đình bị hại. “Chỉ vì một chuyện nhỏ, bị cáo đã hành xử nông nổi. Một hành động thiếu suy nghĩ, tôi đã mất tất cả và cướp đi sinh mạng của bạn mình” - Thuận nói.
Luật sư bào chữa xin giảm nhẹ hình phạt cho Thuận, cho rằng đây là vụ án xuất phát từ mâu thuẫn bộc phát, không có sự chuẩn bị trước. Bị cáo có nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh giữ quyền công tố nhận định: Hành vi của bị cáo Thuận mang tính chất côn đồ, coi thường tính mạng người khác. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt, bị cáo đã ra tay tước đi mạng sống của một người, để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đồng thời gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, cần xử lý nghiêm để răn đe.
Nỗi đau và bài học đắt giá
Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Thuận 19 năm tù giam về tội giết người. Ngoài mức án, Thuận còn phải bồi thường cho gia đình nạn nhân hơn 250 triệu đồng.
Gia đình bị hại không khỏi xót xa trước cái chết của anh Quý - người đàn ông hiền lành, chỉ vì một phút “vui quá đà” mà vĩnh viễn không trở về. Tại tòa, mẹ nạn nhân nghẹn ngào nói: “Con tôi chỉ muốn hát chơi một chút, không ngờ lại mất mạng. Giờ vợ con nó sống sao đây?”. Ở phía đối diện, gia đình bị cáo cũng rơi vào khủng hoảng, khi trụ cột gia đình vướng vòng lao lý, con cái bơ vơ.
Một vụ án mạng đau lòng chỉ vì tiếng hát giữa ban ngày. Sự việc gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng hát Karaoke mở loa công suất lớn, một vấn đề nhức nhối đang tồn tại ở nhiều khu dân cư, nhất là ở vùng nông thôn. Khi niềm vui bị đẩy qua ranh giới của văn minh, hậu quả có thể không dừng lại ở những tiếng cự cãi mà là những giọt máu rơi, nước mắt rơi… và những lời xin lỗi muộn màng không bao giờ đủ.
Vụ án của Thuận và Quý không chỉ là một bản án pháp lý mà còn là bản án đạo đức nhắc nhở mỗi người về trách nhiệm trong ứng xử cộng đồng, từ việc hát karaoke với âm thanh phù hợp để không ảnh hưởng đến những người xung quanh đến cách góp ý, xử lý mâu thuẫn một cách ôn hòa. Bởi đôi khi, chỉ vì một phút nóng giận, hành vi nông nổi có thể biến cuộc vui trở thành bi kịch.
ÚT CHUYỀN