“Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc; chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết”

01/06/2021 - 05:21

 - Những ngày gần đây, TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện nhiều ổ dịch mới với tính chất hết sức phức tạp, hàng trăm trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Càng phức tạp hơn khi đến nay đã xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 tại một số tỉnh khu vực ĐBSCL (tỉnh Long An, Bạc Liêu...); nguy cơ dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng rất cao.

“Giữ cho cộng đồng”

Trước tình hình trên, một số tỉnh phía Nam (trong đó có tỉnh An Giang) đã khẩn trương chỉ đạo tạm dừng các loại xe vận chuyển hành khách từ các tỉnh có dịch đến địa phương. UBND tỉnh chỉ đạo từ 0 giờ ngày 30-5, tạm thời dừng mọi hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người, dịch vụ làm đẹp, gội đầu; không tổ chức tiệc tùng, họp mặt tại cơ quan, đơn vị. Đối với các sự kiện cưới hỏi, ma chay, hiếu hỉ, yêu cầu thực hiện quy mô tối giản, áp dụng triệt để giãn cách và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình khẳng định: “Chúng ta bình tĩnh ứng phó, thực hiện kịp thời các giải pháp, chứ không nên hoang mang, không thái quá. Tất cả đều trên tinh thần “giữ cho cộng đồng”, không để dịch bệnh lan rộng đến tỉnh”.

Chốt kiểm soát, khai báo y tế ở các cửa ngõ vào An Giang bắt đầu hoạt động từ 0 giờ ngày 30-5

Nhằm tiếp tục phòng, chống dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các địa phương có dịch, cũng từ 0 giờ ngày 30-5, Công an tỉnh thực hiện kế hoạch tổ chức kiểm soát, chốt chặn người, phương tiện ngoài tỉnh vào địa bàn An Giang phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Công an TP. Long Xuyên, TX. Tân Châu, huyện Chợ Mới, Tri Tôn, Thoại Sơn, Phú Tân (những địa phương có tuyến đường bộ, đường thủy từ các tỉnh khác có thể đi vào địa phận An Giang) rà soát, chấm chọn các vị trí để lập chốt chặn, bảo đảm bịt kín các tuyến đường, không để người, phương tiện vào địa phận An Giang mà không được kiểm tra, kiểm soát, đo thân nhiệt, phát hiện dấu hiệu nhiễm COVID-19 để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với xe khách hợp đồng, các phương tiện vận tải thủy chở khách đi du lịch sẽ được kiểm tra theo chức năng nhiệm vụ, ghi nhận biển kiểm soát, đo thân nhiệt, yêu cầu chấp hành việc đeo khẩu trang, lập danh sách người trên xe để dễ truy vết khi có yêu cầu. Đồng thời yêu cầu người có trách nhiệm, tài xế các chuyến xe đi về từ vùng dịch quay đầu, không được tiếp tục vào địa phận An Giang.

Trên tuyến biên giới, các Đồn Biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang phối hợp UBND, các ban, ngành, đoàn thể 18 xã, phường, thị trấn khu vực biên giới tổ chức thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và xuất, nhập cảnh trái phép”.

Đến nay, đã vận động gần 35.000 hộ dân ký cam kết tham gia thực hiện phong trào; lắp đặt 39 hộp thư tố giác tội phạm và 22 đường dây nóng tố giác tội phạm tại khu vực biên giới. Các lực lượng tổ chức tuyên truyền lưu động với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; vận động người dân không xuất, nhập cảnh trái phép; không tiếp tay, bao che, tổ chức xuất, nhập cảnh trái phép và những người tiếp xúc, liên quan đi, đến từ các vùng có dịch về địa bàn.

Ý thức cũng là một loại kháng thể

Việc thực hiện đồng loạt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh An Giang từ ngày 30-5 chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, đi lại của người dân. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, rất nhiều người đồng tình, ủng hộ cao đối với các giải pháp này.

Trong quá trình chờ khai báo y tế, đo thân nhiệt tại chốt kiểm soát dịch bệnh Vàm Cống (TP. Long Xuyên), bà Lê Thị Hạnh (sinh năm 1951, ngụ quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) chia sẻ: “Tôi biết dịch bệnh đang lan rộng ở nhiều nơi, cả đất nước cùng chung sức chống dịch. Chủ trương nào cũng đều vì sự an toàn của người dân, đâu có lý do gì bản thân mình lại phản đối! Ngược lại, càng kiểm soát nghiêm ngặt chừng nào, tôi càng mừng chừng nấy”. Tại TP. Châu Đốc, 15 doanh nghiệp vận tải (vận tải hành khách tuyến cố định và kinh doanh dịch vụ taxi) viết cam kết tạm dừng hoạt động kinh doanh vận tải theo tinh thần thông báo của Sở Giao thông - Vận tải.

Việc nâng cao ý thức của từng cá nhân, tổ chức sẽ góp phần tăng “kháng thể” chống dịch trong cộng đồng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đợt dịch lần thứ 4 này bùng phát do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị khi chưa có dịch bệnh thì ung dung, chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; khi có dịch bệnh thì lúng túng, bị động, hoang mang, lo sợ, không nắm chắc, đánh giá đúng tình hình để có các biện pháp phù hợp. Một bộ phận nhân dân còn thiếu ý thức, mất cảnh giác, không chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Do đó, mục đích hiện nay của cả hệ thống chính trị là đặt lợi ích quốc gia, dân tộc; chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết; kiên định tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch bệnh; huy động cả hệ thống chính trị, toàn dân tập trung thực hiện một cách tổng thể, toàn diện, mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, nhất là những nơi đang có các ổ dịch lớn thì phải tổng tiến công toàn lực, thần tốc để chặn đứng, đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh.

Đặc biệt, coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân, làm cho dân biết, dân hiểu, chia sẻ, tin tưởng, hưởng ứng, tích cực tham gia và thụ hưởng những thành quả từ phòng, chống dịch bệnh; quán triệt tinh thần mỗi người phải tự bảo vệ mình, tức là bảo vệ cộng đồng và góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH