“Đi trước mở đường”

09/01/2023 - 05:04

 - Vai trò quan trọng của công tác dự báo, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội (DLXH) đã được xác định rõ nhiều năm nay. Làm tốt nội dung này, tức là góp phần phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành ổn định tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Hay nói cách khác, đây là hoạt động “đi trước mở đường”.

Tọa đàm nâng chất công tác dư luận xã hội

“Đội quân” ở cơ sở

Hơn 2 năm trước, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Đề án 07-ĐA/TU về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác DLXH trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2020-2025”. Đây là cơ sở quan trọng để “nắm bắt, phản hồi, định hướng DLXH” trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, thường xuyên của cơ quan, đơn vị.

Sau quá trình triển khai, toàn tỉnh từng bước phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác dự báo, điều tra, nắm bắt, phản ánh, phản hồi, định hướng DLXH. Năm 2022, dư luận phản ánh 270 vấn đề, trong đó 250 nội dung được phản hồi. Tỷ lệ này góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.

Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả xuất hiện, như mô hình thành lập Ban Chỉ đạo 35 cơ sở, xây dựng mạng lưới cộng tác viên ở chi bộ khóm, ấp của TP. Long Xuyên. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị TP. Long Xuyên Đào Duy Thành cho biết: “Ngoài 23 đồng chí cốt cán ở thành phố, chúng tôi có hơn 1.400 cộng tác viên DLXH cơ sở. Mạng lưới này được đào tạo thành lực lượng quan trọng, là kênh nắm bắt, tập hợp, phản ánh và cung cấp thông tin, góp phần tạo đồng thuận xã hội, định hướng các luồng DLXH tích cực trên địa bàn”.

Ngoài ra, nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả được hình thành, phát huy trong toàn tỉnh: Huyện Châu Thành xây dựng đội ngũ cộng tác viên DLXH chất lượng, linh hoạt; tổ chức hội nghị giao ban quý luân phiên tại cơ sở. Huyện Phú Tân xây dựng đề án hình thành lực lượng nòng cốt ở cơ sở gắn kết chặt chẽ giữa cộng tác viên DLXH với Ban Chỉ đạo 35. Huyện An Phú, Chợ Mới, Thoại Sơn, Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú xây dựng các nhóm trên mạng xã hội; Tổ phản ứng nhanh, thực hiện tốt Quy chế 238 của Ban Bí thư. Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện công tác DLXH gắn với việc xây dựng đường biên giới an toàn, hòa bình, hữu nghị. Trường Đại học An Giang nắm dư luận qua buổi sinh hoạt tổ, nhóm sinh viên. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phát huy vai trò người đứng đầu trong công tác dự báo, định hướng DLXH…

Vượt khó và nâng chất

Đề án 07 rất quan trọng, nhưng đôi lúc chưa được quan tâm đúng mức. Đây là thực tế đang diễn ra trong toàn tỉnh. Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương nhận định: “Công tác củng cố, kiện toàn đội ngũ cộng tác viên DLXH một vài nơi chưa thường xuyên; chất lượng đội ngũ cộng tác viên chưa đồng đều; một số nơi chậm đổi mới phương pháp, kỹ năng nắm bắt, phản ánh DLXH. Từ đó, dẫn đến việc nắm bắt, phản ánh DLXH của tỉnh đôi lúc chưa kịp thời, toàn diện, chất lượng tham mưu chưa cao. Một vài địa phương, đơn vị thiếu quan tâm, chưa chủ động nắm bắt, phản ánh vấn đề bức xúc, nổi cộm, vấn đề phát sinh, nhu cầu, đề xuất, kiến nghị của người dân, cán bộ, đảng viên. Nội dung phản ánh đôi lúc còn chung chung vì tâm lý nể nang, né tránh vấn đề nhạy cảm; còn lúng túng, chậm xử lý, giải quyết, định hướng DLXH”.

ThS Nguyễn Kim Nương (cộng tác viên DLXH) nhìn nhận rằng, mạng xã hội như con dao. Người này dùng làm cá, xắt thịt, người khác lại dùng để phạm tội, nhưng chúng ta không thể cấm. “Vậy thì cần phải khuyên mọi người dùng mạng xã hội đúng mục đích. Dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải đương đầu với cái xấu, cái ác có nguồn gốc từ nền tảng mạng xã hội, để bảo vệ chính bản thân, người thân mình; rộng hơn là bảo vệ công cuộc xây dựng đất nước” - bà Nương bày tỏ.

Những vấn đề liên quan đến công tác DLXH và Đề án 07 đã được phân tích, mổ xẻ sâu tại Tọa đàm “Đổi mới nội dung, hình thức dự báo, định hướng DLXH” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức giữa tháng 12/2022. Bà Trần Thị Thanh Hương đề nghị, trong quá trình tiếp tục triển khai Đề án 07, cần đổi mới nội dung, phương pháp nắm bắt, phản ánh, dự báo, định hướng DLXH và hoạt động Ban Chỉ đạo 35 các cấp theo hướng bám sát tình hình thực tiễn đời sống xã hội, hướng về cơ sở, hướng tới từng đối tượng cụ thể.

Vấn đề chú trọng nắm bắt, định hướng DLXH trên phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là Internet, mạng xã hội đã được chỉ ra. “Do đó, chúng ta cần huy động sức mạnh của cán bộ, đảng viên, nhân dân, cùng tham gia nắm bắt, phản ánh DLXH, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Đồng thời, quan tâm, theo dõi, thông tin, chia sẻ rộng rãi kết quả phản hồi DLXH để nội bộ đơn vị, địa phương, nhân dân biết, giám sát và đồng thuận” - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương nhấn mạnh.

Một giải pháp khác được đề ra là dùng “con dao mạng xã hội” để “gọt bỏ” tiêu cực. Cần chủ động đăng tải, chia sẻ tin, bài, hình ảnh, video clip số lượng lớn, “phủ xanh” thông tin tích cực, chính thống. Có như thế, mới không bỏ trống “trận địa” đặc thù và nguy hiểm này!

“Năm 2022, toàn tỉnh hoàn thành nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên khí thế mới, động lực mới. Những kết quả đáng tự hào đó có đóng góp quan trọng của ngành tuyên giáo. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, cổ động, định hướng DLXH được quan tâm đẩy mạnh, góp phần tạo nên nhận thức đúng, động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân đoàn kết, chung sức, đồng lòng tham gia xây dựng quê hương. Đó là hành trang quý báu để năm 2023, ngành tuyên giáo An Giang không ngừng đổi mới, sáng tạo, xứng đáng với vai trò “đi trước mở đường” trong công tác tư tưởng” - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình gửi gắm.

GIA KHÁNH