Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống hiếu học, một địa phương có truyền thống yêu nước. Từ lúc tuổi còn nhỏ, Người sớm được tiếp cận với các tư tưởng lớn của phương Đông, hấp thụ vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, Hán học và bước đầu tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Chứng kiến cảnh khổ cực của người dân mất nước, tinh thần đấu tranh bất khuất của cha anh, Người càng yêu nước, thương dân sâu sắc và hun đúc những hoài bão lớn lao.
Những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp bắt tay vào khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Các phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân ta diễn ra đa dạng, sôi nổi, nhưng đều thất bại. Người rất khâm phục tinh thần yêu nước của các sĩ phu, văn thân, chí sĩ xả thân vì nước, nhưng Người không tán thành đường lối cứu nước của các bậc tiền bối. Thất bại của các cụ: Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… nói lên một sự thật lịch sử là: không thể cứu nước trên lập trường phong kiến hay của giai cấp tư sản, tiểu tư sản. Bên cạnh đó, những tư tưởng tiến bộ của cuộc cách mạng ở Pháp năm 1789, thành tựu văn minh, tiến bộ của nhân loại ở Pháp và các nước châu Âu khác, đã thúc đẩy Người muốn đến tận nơi tìm hiểu. Đó chính là những lý do Nguyễn Tất Thành quyết định chọn nước Pháp, chọn Châu Âu làm điểm đến đầu tiên trong cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước năm 1911.
Hành trang ban đầu của Nguyễn Tất Thành khi ra nước ngoài là tri thức về văn hóa phương Đông và phương Tây, lòng yêu nước nhiệt thành, tiếp thu có chọn lọc con đường cứu nước của các nhà yêu nước lớp trước và một dự định rõ rệt, lớn lao, đó là “xem nước Pháp và các nước khác, sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”, đó là dự định đi tìm con đường cứu nước, cứu dân. Ngày 5-6-1911, trên con tàu “Đô đốc Latouche Tréville”, từ bến cảng Nhà Rồng của Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã lên đường sang Pháp. Người làm bất cứ việc gì để sống và hoạt động (phụ bếp dưới tàu, làm bánh trong các khách sạn, cào tuyết, đốt lò, chụp ảnh…). Gần 10 năm, vừa lao động kiếm sống, vừa tiến hành khảo sát thực tiễn nhiều nước tư bản và các nước thuộc địa, khảo sát các cuộc cách mạng ở các nước: Pháp, Anh, Mỹ… Người đã có nhận thức quan trọng: cách mạng tư sản là những cuộc cách mạng vĩ đại, nhưng là những cuộc cách mạng chưa đến nơi. Nó đã phá tan gông xiềng phong kiến cùng những luật lệ hà khắc và những ràng buộc vô lý để giải phóng sức lao động của con người. Cách mạng tư sản xây dựng lên một chế độ mới tiến bộ hơn xã hội phong kiến. Nhưng cách mạng xong rồi dân chúng vẫn khổ, vẫn bị áp bức, bóc lột và vẫn mưu toan làm cách mạng. Từ đó, Người đi đến kết luận, chúng ta đổ xương máu để làm cách mạng thì không đi theo con đường cách mạng này; nhân dân lao động trên toàn thế giới cần đoàn kết lại để đấu tranh chống kẻ thù chung là giai cấp thống trị; cùng nhau thực hiện nguyện vọng chung là độc lập, tự do.
Từ khi rời Tổ quốc đi tìm con đường giải phóng dân tộc, Người sớm nhận thức muốn hoạt động cách mạng cần phải tham gia các tổ chức và hòa mình vào phong trào đấu tranh cách mạng. Những hoạt động đầy nhiệt huyết của Người - với tư cách nhà chính trị, nhà tư tưởng, người chiến sĩ cộng sản quốc tế đã in dấu đậm nét trong lịch sử cách mạng vô sản thế giới. Trong quá trình hoạt động cách mạng, nhiều lần phải sống trong thiếu thốn, khổ cực, nguy hiểm, tù đày, thậm chí bị hiểu lầm, nhưng trong hoàn cảnh nào, Người cũng có một niềm tin sắt son vào chủ nghĩa Mác - Lênin, nêu cao ý chí, bản lĩnh và phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản.
Kỷ niệm sự kiện 109 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước gắn với kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người, chúng ta càng hiểu rõ hơn về cuộc đời cách mạng và tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là dịp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu sâu sắc hơn về những cống hiến to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và thế giới.
T.M