“Kho báu” của bà Hồ Thị Hà

24/02/2023 - 05:42

 -  “Mẹ lớn tuổi rồi, nghỉ ngơi đi, chứ làm cực khổ vầy hoài, tụi con xót lắm! Nếu mẹ vẫn muốn kiếm thuốc nam từ thiện, khi nào rảnh, con tiếp mẹ đi sưu tầm. Mẹ đừng trồng nhiều, sức nào chịu nổi!” - ông Lê Văn Cứ (ngụ xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) buông lời can ngăn người mẹ 63 tuổi. Giữa trưa nắng, mẹ ông, bà Hồ Thị Hà vẫn miệt mài bên “kho báu” của mình: Vườn thuốc nam do chính tay bà trồng.

Không phải ông buồn phiền với việc làm của mẹ mình, mà vì ông sợ bà vắt kiệt sức khỏe để chăm sóc vườn thuốc nam, chẳng nghĩ đến bản thân. Bà trả lời con trai, cũng là trả lời với chúng tôi: “Con không cho, mẹ vẫn làm, không bỏ được”. Bỏ sao được, khi bà vun vén cho “kho báu” của mình 21 năm qua, bằng tất cả tâm tình và sức lực của một phụ nữ chân quê!

… Hồi đó, người dân nông thôn am hiểu một vài loại cây thuốc nam, điều trị bệnh lặt vặt, không cần đi bác sĩ. Đất rộng người thưa, cây cối mọc um tùm, trong đó nhiều cây dược liệu thỏa sức sinh sôi. Dù biết chúng rất hữu ích, nhưng so với giá trị đất đai, cây trồng, công trình… thì chúng ngậm ngùi xếp sau. Dần dần, cây dược liệu vắng bóng, tìm mỏi mắt chẳng ra.

Bà Hà cặm cụi với hành trình đưa cây dược liệu đến với người bệnh

Cái gì hiếm, sẽ trở nên quý. Nhiều người tâm huyết với cây thuốc nam thành lập đội chuyên đi sưu tầm, trồng dược liệu cung cấp cho nhà thuốc, hội đông y. Nguồn thuốc này góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là người không đủ điều kiện chạy chữa phương pháp khác, hoặc không phù hợp với các phương pháp ấy.

“Nhà nghèo, làm mướn còn vượt qua được. Chứ nghèo mà còn lỡ đau bệnh, không được cứu chữa thì khổ biết chừng nào! Tôi đã thấy nhiều người trong cơn thắt ngặt như vậy. Trăn trở mãi, cuối cùng tôi quyết định tìm thật nhiều cây thuốc nam, hỗ trợ hoạt động từ thiện”- bà Hà bắt đầu câu chuyện của mình.

Đó giờ chỉ biết làm nông, chăm sóc con cái, chưa từng học qua ngày nào về cây thuốc, tuổi ngoài 40… là những khó khăn mà bà gặp phải sau quyết định ấy. Không biết thì học. Bà tìm mua sách của các lương y nổi tiếng, ban đêm mày mò nghiên cứu, đọc thuộc lý thuyết, kiến thức từng vị thuốc. Ban ngày, bà đi thực tế, so sánh, quan sát các loại cây dược liệu quanh mình. Dần dần, bà biết cây chân vịt có tác dụng trị ho, cây ngà voi trị nhức mỏi, cây thù lù giúp mát gan, cây nhãn lồng trị bệnh tim…

Sức bà bé nhỏ, chẳng thể tạo thành cơn bão lớn. Bởi vậy, bà nhờ chồng cùng tham gia việc cộng đồng này. Lúc đầu, ông không đồng ý. Bà thuyết phục: “Ông nghĩ coi, xung quanh mình toàn là cây thuốc quý, là kho báu cho sức khỏe mọi người. Mình giúp được người bệnh, cũng là giúp bản thân thêm động lực sống khỏe, thoải mái tinh thần”. Bà “xúi” ông đi theo các đội sưu tầm thuốc nam thiện nguyện, chuyện nhà cửa, ruộng đồng, con cái cứ để bà lo. Rồi ông cũng mê hành trình rong ruổi lên núi xuống vườn y hệt vợ mình!

4 năm trước, ông qua đời. Bà Hà một mình đi tiếp con đường đã chọn, dù rất gian nan. Một tay bà gầy dựng vườn thuốc nam 25 vị ở thị trấn Vĩnh Bình (huyện Châu Thành), cung cấp cho mấy nhà thuốc quen. Thiếu vị nào, nếu trong vườn không có, bà đi chỗ này chỗ kia tìm bằng được và đem về ươm trồng thêm.

Mới năm ngoái, bà về sinh sống ở xã Thạnh Mỹ Tây, xoay qua xoay lại bà biến 2 công đất cạnh nhà thành vườn thuốc nam nữa! Vườn nhỏ, bà trồng được 7 vị thuốc (ngà voi, chân vịt, cam thảo đất…). Mỗi ngày của bà cứ quẩn quanh đám thuốc, hết dọn cỏ rác, tưới cây, lại chuyển sang thu hoạch, chặt nhỏ, phơi khô, không khi nào hết việc!

Nắng ngả dần từ trưa sang chiều, mà bà vẫn chưa chịu rời mảnh vườn. Lý do của bà đơn giản lắm: “Bà con đang đau bệnh, cần thuốc gấp. Tôi sợ mình lãng phí thời gian, nên tranh thủ làm suốt. Mấy đứa con cằn nhằn quá, tôi vô nằm võng chút cho tụi nó mát bụng, rồi trở ra làm tiếp. Bù lại, tôi chẳng bệnh tật gì, tinh thần luôn tươi tắn. Nghĩ đến những lời cảm ơn của người đã khỏi bệnh, tôi thấy mình làm bao nhiêu cũng không mệt mỏi”.

Ở cạnh nhà, lại là thông gia, bà Phan Thị Bích Nga (51 tuổi) thấy việc làm nhân đạo của bà Hà, hay phụ tiếp một tay. “Lớn tuổi chứ bà Hà giỏi lắm, xốc vác công việc cả ngày. Có khi, bà ráng chăm sóc vườn thuốc, 6 giờ chiều chưa chịu nghỉ ngơi, xóm giềng ai cũng thương. Mỗi lúc rảnh, tôi tham gia chặt, phơi cây thuốc, xem như cùng chung sức làm việc thiện nguyện”- bà Nga cho biết.

Quý từng cây thuốc nam đến vậy, nhưng 21 năm qua, bà Hà chỉ trồng để cung cấp miễn phí cho mọi người, chưa từng nhận thù lao. Người bệnh phục hồi sau khi uống thuốc bà cho, định gửi biếu chút tiền ơn nghĩa. Bà dặn họ giữ tiền lại để ăn uống, bồi dưỡng cho thật khỏe. Nhà thuốc gửi chút tiền xăng cộ, chi phí trồng cây thuốc, bà cười xòa, lắc đầu: “Mọi khoản tiền đều do con cháu trong nhà hỗ trợ, ủng hộ tôi hết. Tôi không muốn nhận sự giúp đỡ vật chất từ bất kỳ ai”.

Nhập nhoạng chiều, bà Hà trở về nhà với mớ cây ngà voi trên tay và nụ cười hiền hậu trên gương mặt. Bà thích những cơn nắng ban trưa, vì chúng làm cho cây thuốc mau khô, mau đến với người bệnh. Bà thích những chuỗi ngày sống vì cộng đồng, quên mất thời gian cho chính mình. Bà yêu thương cuộc sống, yêu thương mọi người bằng tất cả sức lực và khả năng mình đang có!

VẠN LỘC