“Kim dạ nguyên tiêu…”

26/02/2021 - 04:45

 - Nguyên tiêu được người xưa giải thích: “tiêu” là “đêm”, “nguyên” là “đầu tiên”. Đêm rằm tháng Giêng là đêm trăng tròn đầu tiên trong năm. Ánh trăng hôm ấy chất chứa bao ước vọng của nhân sinh, được các thi nhân tô điểm thêm nét trữ tình riêng có, mà 11 đêm trăng còn lại chẳng thể sánh bằng.

“Ai siêng thì quải”

Tết Nguyên đán vừa trôi qua, dư âm còn đọng lại đâu đó trên những cánh hoa muộn. Người ta chưa vội cất tâm tình đầu năm, chưa thực sự quay trở lại nhịp sống ngày thường, mà còn ngóng… Tết Nguyên tiêu. Rằm tháng Giêng đi vào tâm thức của người Việt một cách trang trọng, đầy tín ngưỡng: “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”.

Nhiều ngôi chùa mở rộng cửa đón khách thập phương, gắn liền với các lễ hội tâm linh đặc sắc. Dần dần, hình thành một phong tục văn hóa truyền thống: đi chùa đầu năm, trong dịp rằm tháng Giêng. Thật ra thì lễ chùa lúc nào cũng phù hợp cả, miễn lòng người cảm thấy an nhiên, tìm thấy sự yên ổn trong tâm hồn khi bước vào thiền môn. Nhưng với nhiều người, lễ chùa vào đầu năm mới sẽ mang lại niềm tin sâu sắc về bình an, may mắn cho cả năm. Họ gửi gắm ước mong: “vạn sự khởi đầu” sẽ chẳng “nan”!

Ông bà xưa còn tổng kết phong tục tập quán bằng câu nói: “Rằm tháng Giêng ai siêng thì quải, rằm tháng Bảy kẻ quải người không, rằm tháng Mười, mười người mười quải”. Không nhất thiết phải bày mâm cúng rằm tháng Giêng, cách thức cúng có thể thay đổi, cân nhắc tùy theo điều kiện kinh tế, truyền thống từng vùng, miền, gia đình. Thường, ngoài mâm lễ gia tiên, mọi người làm thêm một đàn lễ ngoài trời để cảm ơn đất trời, thánh thần, các vị anh hùng dân tộc… đã cho họ cuộc sống hôm nay.

Nếu không đủ điều kiện tổ chức lễ hoặc  bị chi phối bởi việc mưu sinh thì chỉ cần một ấm trà, vài chén rượu nhạt, ít trái cây, mấy nén nhang, cùng lòng thành kính là đủ. Dưới ánh trăng viên mãn, người người dành thời gian cho gia đình, tận hưởng chút Tết còn lại, chuẩn bị tâm thế cho chuỗi ngày lao động cần cù sắp tới. Tháng Giêng không còn là “tháng ăn chơi” như câu cửa miệng trước kia nữa. Rằm tháng Giêng như một mốc thời gian gắn liền với bắt tay vào đồng áng, trở lại công việc, thế mới tạo ra no đủ, thịnh vượng như ước nguyện của chính mỗi người.

“Nguyệt chính viên”

Nhiều tài liệu cho rằng, trăng thượng nguyên thường lung linh, không khí giao hòa của đất trời trong những ngày đầu năm mới tạo nên cảm hứng cho hoạt động thi ca. Vì vậy, vào dịp này, vua chúa thường triệu tập các trạng nguyên và những người đỗ đạt cao về vườn thượng uyển cùng nhau xem hoa thưởng nguyệt, làm thơ xướng họa, ứng đáp câu đối… tưng bừng lễ hội với yến tiệc rộn ràng. Tết Nguyên tiêu còn được gọi là Tết Trạng nguyên, đề cao tinh thần hiếu học, văn chương, tạo thành một cái Tết thấm đẫm tri thức, chất thơ ca nghệ thuật, nuôi dưỡng tâm hồn con người.

Truyền thống ấy đã truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nhưng Nguyên tiêu trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết, khi bài thơ “Nguyên tiêu” được Bác Hồ sáng tác vào dịp rằm tháng Giêng năm Mậu Tý (1948), là áng thi ca bất hủ về nguyên tiêu đến tận ngày nay. “Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên…”, giữa khung cảnh trời mây hữu tình, nên thơ và trong không khí “đàm quân sự”, đêm trăng tháng Giêng pha lẫn ước mong, tâm tình và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp nhất cho mai sau. Giá trị tư tưởng và nghệ thuật của “Nguyên tiêu” mãi mãi vang vọng cùng non sông, đất nước và hiện hữu như một áng thơ tuyệt mỹ trong nền thi ca Việt.

Từ năm 2003, Hội Nhà văn Việt Nam quyết định chọn ngày rằm tháng Giêng hàng năm, ngày Bác Hồ viết bài thơ “Nguyên tiêu” làm Ngày thơ Việt Nam. Từ đó về sau, vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm, trên khắp mọi miền đất nước đều diễn ra nhiều hoạt động phong phú, như: ngâm thơ, đọc thơ, bình thơ, sáng tác thơ, giao lưu giữa nhà thơ với công chúng, xem thư pháp thơ…

Năm nay, dịch bệnh hoành hành, đêm thơ Nguyên tiêu tạm vắng bóng. Trăng vẫn sáng rõ trên bầu trời, nhưng chẳng viên mãn như trước. Thi ca lùi về sau, nhưng bao cảm xúc nhân văn vẫn đong đầy trong cuộc sống. Khi “cuộc chiến” chống COVID-19 kết thúc, còn nhiều rằm tháng Giêng trong tương lai, nhất định sẽ tạo nhiều cảm hứng để thi nhân sáng tác.

Đêm trăng rằm tháng Giêng mang một phong vị rất riêng, rất thiêng liêng. Bởi vì đó là đêm trăng đầu tiên của năm, nên được xem là đẹp nhất, tràn ngập không khí tươi mới của đầu xuân. Từ đêm rằm tháng Giêng năm ấy, “trăng ngân đầy thuyền” trở thành trăng ước hẹn cho bao điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Đó là thịnh vượng cho đất nước, bình yên cho mỗi nhà, mỗi người…

Bài, ảnh: GIA KHÁNH