“Làm đi đôi với nói”

07/07/2022 - 07:13

 - “Nói đi đôi với làm” đã là chuyện hiển nhiên. Nhưng trong công tác tuyên giáo, tuyên huấn, “làm phải đi đôi với nói” mới trọn vẹn nhiệm vụ chính trị. Đặc biệt, trong lĩnh vực nắm bắt và phản hồi dư luận xã hội (DLXH), việc “nói” càng phải được quan tâm nhiều hơn.

Nắm bắt tâm tư của nhân dân tại những buổi tiếp xúc cử tri, đối thoại

Kênh thông tin quan trọng

Thực chất, công tác nắm DLXH là lắng nghe tiếng nói của nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội. DLXH trở thành kênh thông tin quan trọng, là nhu cầu thường trực trong hoạt động lãnh đạo, điều hành của địa phương, đơn vị; là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp.

Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Hữu Thịnh, công tác DLXH trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả khá cao, ngày càng đi vào thực chất, chiều sâu, bám sát thực tiễn đời sống người dân. Qua đó, góp phần định hướng, ổn định tư tưởng nhân dân; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cơ chế nắm bắt, phản ánh, phản hồi DLXH tiếp tục được phát huy, chất lượng phản hồi ngày càng được nâng cao, có trọng tâm, trọng điểm, giải đáp thỏa đáng mong muốn của người dân.

Để mọi người nói cho chúng ta nghe, cần có phương pháp và kỹ năng riêng. Nhiều địa phương, đơn vị tổ chức nhiều kênh để nắm bắt, tiếp thu phản ánh của dư luận. Điển hình như việc nắm DLXH và tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động (NLĐ) của tỉnh.

“Hiện nay, hệ thống công đoàn tỉnh có 32 báo cáo viên và 120 tuyên truyền viên. Ngoài ra, 14 công đoàn cấp trên cơ sở cũng xây dựng, quản lý đội ngũ hơn 1.000 báo cáo viên, tuyên truyền viên. Họ có khả năng tuyên truyền, thu hút, tập hợp đoàn viên, công nhân - viên chức, NLĐ; nắm bắt DLXH, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên. Mặt khác, qua kênh đối thoại với công nhân lao động; hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ… giúp giải quyết kịp thời thắc mắc, bức xúc của NLĐ; bảo đảm quyền lợi chính đáng cho họ” - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang Nguyễn Nhật Tiến cho biết.

6 tháng qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiến hành 2 điều tra xã hội học về “Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh An Giang hiện nay”, “Vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên hiện nay”; phối hợp hỗ trợ Ban Tuyên giáo Trung ương điều tra khảo sát “Chung quanh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi và công tác phòng, chống dịch COVID-19”; hỗ trợ khảo sát “Hỗ trợ cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh An Giang giai đoạn 2019-2021” của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, “Nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh” của Tỉnh đoàn…

Những cánh tay tiếp sức

Sau khâu nắm DLXH là khâu phản hồi, thông tin tuyên truyền và phản tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân. Đây là lúc các tuyên truyền viên “nói cho dân nghe, dân hiểu, dân tin”. “Thiết nghĩ, cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, trao đổi thông tin, phải sát yêu cầu thực tế trong từng thời điểm. Từng đơn vị, địa phương sử dụng lực lượng, công cụ sẵn có để đăng tải, lan tỏa chia sẻ bài viết, thông tin tích cực, bài viết chuyên sâu, làm rõ nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong kết nối, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương. Trung ương yêu cầu. “Nói phải đi đôi với làm, làm phải đi đôi với nói”. Làm được thì phải nói để mọi người cùng biết. Phải làm sao để mọi người đều biết chúng ta đang làm nhiệm vụ và làm rất tốt” - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương bày tỏ.

Ngoài nhiệm vụ “nói” của chính mình, đội ngũ cán bộ, người làm công tác tuyên truyền còn nhờ sự tiếp sức ở cơ sở. An Giang là tỉnh biên giới, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tích cực huy động sự tham gia của đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số vào việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đến các tầng lớp nhân dân.

“Người có uy tín còn tham gia công tác hòa giải, đóng góp nhiều việc làm thiết thực ở địa phương; phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng, vấn đề khó khăn của nhân dân đến cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết. Đặc biệt, họ luôn tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng, chống mọi âm mưu phá hoại, gây mất đoàn kết và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Họ là “sợi chỉ hồng” kết nối các dân tộc thiểu số, tăng thêm sức mạnh đoàn kết” - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang Chau Anne thông tin.

Nhiều mô hình, cách làm hiệu quả khác được ghi nhận, như: TP. Long Xuyên thành lập Tổ cộng tác viên nắm bắt DLXH; xây dựng mạng lưới cộng tác viên trên 1.400 thành viên (là báo cáo viên, tuyên truyền viên từ ngành, phường, xã, khóm, ấp, chi bộ cơ sở…). Trường Đại học An Giang có lực lượng bí thư đoàn, lớp trưởng các lớp để nắm bắt tình hình tư tưởng, đạo đức, lối sống trong học sinh, sinh viên; nắm tình hình trên mạng xã hội mà đa số học sinh, sinh viên tham gia sâu rộng…

Tại Hội nghị giao ban công tác DLXH, công tác tham mưu Ban Chỉ đạo 35 quý II/2022 vừa qua (do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Huyện ủy Châu Phú tổ chức), một lần nữa, công tác điều tra, nắm bắt, phản ánh, phản hồi, định hướng DLXH được mổ xẻ, phân tích nhiều chiều. Được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, công tác DLXH cần được quan tâm thực hiện đúng tầm, hướng vào chiều sâu, thiết thực. Trong đó, “lắng nghe” và “phản hồi” là 2 mặt của vấn đề. Càng lắng nghe, càng phải phản hồi, phải “nói”, để tạo ra tương tác xã hội dân chủ, rộng mở, để góp phần làm giàu đẹp quê hương.

6 tháng đầu năm 2022, thông qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, gần 200 phản ánh, kiến nghị được gửi đến sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh. Đa số được phản hồi theo hướng kịp thời giải quyết, định hướng dư luận, chia sẻ thông tin, giải đáp thỏa đáng.

 

GIA KHÁNH