Không hiếm những ngôi nhà bị bỏ phế nhiều năm do chủ nhà đi làm ăn xa
Tại An Giang, cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, dân số toàn tỉnh đã giảm 234.000 người so với thời điểm tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009. Thống kê cho biết, dân số giảm so với 10 năm trước chủ yếu là khu vực nông thôn (chiếm 97,6%, giảm gần 229.000 người). Trên cơ sở thông tin thu thập cho thấy, dân số giảm tập trung chủ yếu ở 2 nhóm là người đi làm ăn xa ngoài tỉnh và sinh viên đi học. Điển hình như: Chợ Mới có gần 50.000 người, TX. Tân Châu có hơn 32.000 người, Châu Phú có hơn 36.000 người đi làm ăn xa trên 6 tháng. Đây là những con số rất đáng lo ngại, bởi việc di dân đi làm ăn xa là điều mà các địa phương đối mặt lâu nay, nhưng chưa có dịp thống kê để có cái nhìn chính xác và bàn giải pháp giải quyết mạnh mẽ hơn.
Xa quê mưu sinh xứ người không phải là điều mà ai cũng mong muốn. Bởi, họ phải rời bỏ nhà cửa để đi ở thuê, để lại con cái nương nhờ bàn tay chăm sóc của ông, bà. Nếu không, họ không thể cắt giảm chi phí, dành dụm tiền để gửi về quê chăm lo cho con cái và người thân. Nếu không một lần rời khỏi "lũy tre làng" thì họ phải sống với công việc "ai thuê gì làm nấy". Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng: "Những người xa quê đã nỗ lực làm việc để tìm kiếm cơ hội thoát nghèo và cải thiện cuộc sống. Cùng với đó, họ đã đóng góp trực tiếp vào GDP của tỉnh khi hàng tháng "gói ghém" tiền bạc gửi về quê nhà. Chúng ta không thể phủ nhận những giá trị mà những người rời xa quê hương đang mang lại. Song, phải nhìn nhận một thực tế rằng, việc di cư xa quê với lượng lớn người dân như hiện nay sẽ mang lại những hệ lụy không nhỏ cho xã hội. Đó là tình trạng cha mẹ đi làm ăn xa mang theo con cái, đến nơi ở mới con cái không được học hành đàng hoàng, hay trường hợp gửi con ở quê nhà thì con cái cũng không được ông bà quan tâm, giáo dục, bảo vệ đúng cách. Sản xuất nông nghiệp, làng nghề địa phương không thể phát triển vì thiếu lao động, tình hình an ninh, trật tự xã hội khó được giữ vững vì những biến động, dịch chuyển của lượng lớn dân cư".
Với những trường hợp làm ăn thuận lợi là niềm vui cho các gia đình, nhưng cũng không ít trường hợp ly hương bao năm vất vả, các gia đình vẫn không thể tích cóp được nguồn vốn nho nhỏ để trở về quê hương lập nghiệp. Thậm chí, có người còn mắc bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông ảnh hưởng sức lao động. Khi không còn kham nổi việc làm phương xa, họ trở về quê thì đã đánh mất cơ hội được hưởng những chính sách an sinh xã hội, cơ hội hỗ trợ thoát nghèo của các địa phương… Biết rằng vậy, nhưng để đảm bảo cuộc sống trước mắt, nhiều người không có lựa chọn khác hơn. "Ở lại quê với các công việc làm mướn vốn dĩ bấp bênh, không đáp ứng được đời sống gia đình, còn xa quê với nỗi nhớ con đau đáu, muôn vàn chi phí phải lo nơi xứ người, đôi khi thấy áp lực lắm, muốn trở về quê lắm nhưng nghĩ mãi vẫn không tính nổi về quê tôi sẽ bắt đầu lại như thế nào" - anh Nguyễn Văn Toàn (người dân ở huyện Chợ Mới) trải lòng.
Từ thực tế trên có thể thấy rằng, "làn sóng" di cư xa quê không chỉ đến từ nguyên nhân chủ quan của người dân với tâm lý "đổi đời", mà đến từ nguyên nhân khách quan ai cũng thấy, đó chính là tốc độ phát triển của các địa phương còn chậm so với khu vực thành thị, nền nông nghiệp, làng nghề tiểu thủ công nghiệp còn ở quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không tạo đủ công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Do vậy, theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, các cấp, ngành phải có những đánh giá khách quan, trung thực về vần đề di cư, phải tổ chức các buổi tọa đàm, hội nghị để bàn giải pháp, hiến kế để Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng những chính sách, giải pháp mang tính căn cơ nhằm tạo công ăn việc làm thường xuyên, ổn định hơn cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, để họ cân nhắc việc có nên đi làm ăn xa hay gắn bó với quê hương để xây dựng đời sống gia đình ngày càng ổn định và phát triển bền vững.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG