“Livestream” từ nhà ra phố

07/05/2021 - 06:31

 - Livestream (phát trực tiếp) là một tính năng không còn xa lạ với người sử dụng mạng xã hội Facebook. Thông qua tính năng này, người dùng có thể chia sẻ những thông tin, sự việc mà mình đang chứng kiến đến với nhiều người cùng một lúc. Đây là tính năng rất thú vị, từ lúc ra đời đã thu hút được sự quan tâm của người sử dụng, tuy nhiên cùng với những tiện ích mang lại thì cũng có những câu chuyện “dở khóc, dở cười” và dần biến tướng xoay quanh việc Livestream bất chấp của người dùng mạng xã hội.

Thích là… Livestream

Thực sự, khi mạng xã hội Facebook cho ra đời tính năng Livestream đã giúp rất nhiều những người làm kinh doanh Online (trực tuyến), nhất là các mặt hàng tiêu dùng, như: quần áo, đồ ăn, trang sức… Vì trước đó, chỉ có thể đăng một tấm hình để bán hàng, nay chỉ cần bật chế độ Livestream, người bán và người mua có thể trao đổi thông tin với nhau, người mua có thể xem xét kỹ hơn về món đồ mình đang lựa chọn để quyết định có mua hay không mặt hàng đó… Cứ như vậy, việc mua bán diễn ra vô cùng thuận lợi.

Tuy nhiên, đó chỉ là một bộ phận người mua bán, kinh doanh, còn những người dùng khác thì “muôn hình vạn trạng” cách để sử dụng tính năng phát trực tiếp này. Nhiều người nhận ra rằng, việc phát trực tiếp dễ thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng, nên đã xuất hiện tình trạng thích thì... Livestream. Họ Livestream bất kể thời gian, địa điểm và bất cứ hoàn cảnh nào: đi nhậu Livestream, đi đám ma Livestream, đi uống cà phê cũng Livestream… Từ hội nghị, hội thảo, đến những lễ hội, đi chùa chiền, bất kể chuyện lớn, nhỏ khi xảy ra đều mở điện thoại và... Livestream.

Để có được góc quay đẹp, những người này phải lựa chọn những chỗ đứng trung tâm, để "bắt" được những hình ảnh như mong muốn. Một người, 2 người, 3 người và rất nhiều người chen lấn, la lối, xô đẩy, nói chuyện ồn ào… để có chỗ đứng thuận lợi nhưng vô tình ảnh hưởng rất nhiều người xung quanh. Lúc bấy giờ họ không còn quan tâm xung quanh vì chỉ còn chú tâm vào buổi Livestream có được bao nhiêu người xem, bao nhiêu lượt Comment (bình luận), Share (chia sẻ), Like (thích)…

Lựa chọn nội dung để Livestream cũng là trách nhiệm của người sử dụng mạng xã hội

Sau những buổi Livestream như vậy, lượt tương tác có tăng lên nhưng quên đi một điều rằng, những việc đang diễn ra nó chỉ là thế giới ảo. Đừng vì những thú vui chớp nhoáng đó mà khiến những mối quan hệ giữa người với người ở ngoài xã hội trở nên xa cách. Biến tướng khó chấp nhận nhất là khi đi đường gặp tai nạn giao thông, nhiều người nhanh tay bật điện thoại rồi... Livestream, trong khi người bị nạn đang cần một sự giúp đỡ nào đó. Thay vì lúc đó, họ có thể tận dụng thời gian Livestream để hỗ trợ, ít nhất dùng điện thoại để gọi xe cấp cứu hỗ trợ người bị nạn.

Sử dụng mạng xã hội thông thái

Bên cạnh những buổi Livestream vô nghĩa, câu Like, câu View thì vẫn có những buổi Livestream mang nhiều ý nghĩa tích cực, giúp mọi người biết đến những câu chuyện nhân văn, đưa ra những thông điệp tốt đẹp. Điển hình, như nhiều bác sĩ chuyên khoa có uy tín, họ sử dụng trang cá nhân trên mạng xã hội Facebook của mình để Livestream, chia sẻ những kiến thức y khoa một cách hữu ích, cách phòng tránh một số loại bệnh thông thường, cách nhận biết những dấu hiệu bệnh tật… để từ đó có cách điều trị phù hợp.

Ngoài ra, rất nhiều buổi phát quà từ thiện có quy mô lớn, việc trao tặng những con bò giúp bà con có hoàn cảnh khó khăn phát triển chăn nuôi… hay cũng có những buổi Livestream công khai, với mục đích lan tỏa những hành động đẹp, ý nghĩa nhân văn nhằm kết nối những tấm lòng trong cộng đồng xã hội.

Nói cho cùng, tốt hay không tốt đều do mục đích của người sử dụng đối với tính năng Livestream này. Vì có người chỉ sử dụng với mục đích bán hàng hay trao đổi thông tin với người thân, chia sẻ kinh nghiệm học tập, kiến thức với bạn bè và mọi người… Nhưng cũng có người muốn thu hút sự chú ý của nhiều người, bởi vậy có những Livestream không có thông điệp rõ ràng, nội dung vô bổ ra đời. Chính vì vậy, người sử dụng mạng xã hội nên xem lại mục đích của mình khi tham gia để làm gì và cần có thái độ rõ ràng trước những thông tin vô bổ, nội dung phản cảm, thô tục.

Việc cần làm đối với người sử dụng mạng xã hội hiện nay là nếu thấy nội dung không có giá trị, vô bổ thì bỏ qua, đừng xem, đừng chia sẻ hay tương tác. Nếu phát hiện Video vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng thì bấm nút báo cáo nhà cung cấp nền tảng tiếp nhận, kiểm duyệt.

ÁNH NGUYÊN