Bí thư Huyện ủy Phú Tân Lâm Phước Trung cho biết, năm 2017 được huyện chọn là “Năm NN” phục vụ cho NN với khâu đột phá là tổ chức lại sản xuất, thực hiện theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Kết quả, huyện đã mời gọi được 6 DN tham gia, tuy nhiên, sản lượng thu mua chưa nhiều, mối quan hệ giữa nông dân (ND) và DN còn vướng mắc, phụ thuộc vào giá cả thị trường và nội dung hợp đồng. Lãnh đạo huyện Phú Tân thấy rằng, đây là bước đầu tạo điều kiện cho ND tiếp cận DN để khắc phục dần tình trạng trúng mùa nhưng mất giá, bởi lâu nay ND trồng nếp không bán trực tiếp cho DN mà trung gian qua bạn hàng, thương lái, hiệu quả sản xuất không ổn định. Từ những kết quả đó cộng với điều kiện canh tác của người ND ngày càng giảm đi, Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất chọn năm 2018 là “Năm DN” với 2 đột phá trọng tâm.
Hướng dẫn ND tiếp cận cây trồng mới áp dụng trong điều kiện phù hợp
Đột phá thứ nhất là củng cố, kiện toàn, nâng chất hoạt động Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác (THT) theo hướng phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của ND phục vụ cho NN phát triển. Huyện tiếp tục theo dõi và hỗ trợ xây dựng HTX NN Phú An thành mô hình HTX điểm gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2016-2020. Yêu cầu của Huyện ủy đặt ra là lấy củng cố, nâng chất hoạt động HTX, THT làm khâu đột phá, kiện toàn bộ máy quản trị làm trọng tâm và xác lập niềm tin của người dân làm nhiệm vụ sống còn trong thời điểm hội nhập kinh tế hiện nay. Từ sự nỗ lực của huyện, từ đầu năm 2018 đến nay, có 4 công ty tham gia ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa, nếp với 6 HTX, THT, tổng diện tích 618,6ha. Ngoài ra, có 13 xã đăng ký hợp đồng liên kết với Công ty Cổ phần nông nghiệp CNC Châu Á với diện tích 4.500ha, hiện nay đang tham khảo hợp đồng; Công ty Lúa gạo xuất khẩu Cẩm Nguyên - Long An liên kết với 10 nhà máy xay xát sạch tại địa phương thu mua 15.000 tấn, vụ đông xuân đã mua gần 5.000 tấn. Để nâng cao chất lượng sản phẩm nếp Phú Tân, ngành chuyên môn tích cực chuyển giao kỹ thuật, giới thiệu đến ND những giống nếp mới nhằm rút ngắn thời gian canh tác, giảm chi phí và nhờ sự hỗ trợ của các ngành tỉnh để nâng nhãn hiệu tập thể nếp Phú Tân lên thành thương hiệu.
Tích cực hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng đặc sản nếp
Tuy cây nếp đã được khẳng định vị thế nhưng nhiều năm qua, ND trồng nếp vẫn khó làm giàu. Do đó, huyện đưa ra đột phá thứ 2 là chuyển đổi cây trồng trên đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả giúp người dân nâng dần thu nhập, đời sống khấm khá hơn. Bên cạnh những mô hình đã và đang cho hiệu quả nhiều năm qua, ND còn thực hiện thành công với các loại cây màu mới như: đậu nành rau, bắp thu trái non, trồng rau nhà lưới. Huyện hiện có 14 nhà lưới trồng rau đang hoạt động hiệu quả, tổng diện tích 13.300m2; có 4 hộ đăng ký thực hiện mô hình nhà lưới theo hướng công nghệ cao với diện tích 13.318m2. Theo khảo sát thực trạng trên địa bàn huyện, đất vườn tạp, đất vùng lõm, đất bờ rào và đất trồng nếp kém hiệu quả còn chiếm trên 2.000ha. Từ nay đến năm 2020, huyện sẽ chuyển đổi một nửa số đất này để trồng các loại cây có múi, xoài, chuối, nhãn, dừa, cây ăn trái khác, hiện nay đã chuyển đổi được 212ha, tập trung tại thị trấn Chợ Vàm, xã Tân Trung và xã Bình Thạnh Đông. “Nếu thực tế, những nơi có đủ điều kiện hoặc ND chủ động đăng ký thì diện tích chuyển đổi sẽ không hạn chế. Chính quyền địa phương luôn đồng hành giúp đỡ ND, còn trồng như thế nào, trồng cây gì là ý chí của ND. Huyện sẽ tiếp tục duy trì 2 mũi nhọn đột phá nói trên nếu cuối năm nay đạt được kết quả tốt” - Bí thư Huyện ủy Phú Tân Lâm Phước Trung khẳng định.
Bài, ảnh: MỸ HẠNH