“Nếu không thắng trong cuộc chiến chống Covid-19, đó là lỗi của chúng ta”

17/04/2020 - 15:59

 - “Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: “Chống dịch như chống giặc”. Nhưng so với thời chiến, chúng ta hiện nay có rất nhiều thuận lợi về cơ sở vật chất, phương tiện, con người. Chính vì thế, không thể nào không thắng lợi trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19. Nếu không thể thắng, đó là lỗi thuộc về chúng ta, chẳng phải do khách quan”- đại tá Phạm Thành Nghĩa, Phó Chỉ huy trưởng, Trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh Covid-19 Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh An Giang chia sẻ.

“Nếu không thắng trong cuộc chiến chống Covid-19, đó là lỗi của chúng ta”

“Cuộc chiến” này không có tiếng bom rơi đạn nổ, nhưng người tử vong trên thế giới mỗi ngày đều tăng. “Giặc” vô hình, nhưng lại cực kỳ nguy hiểm, khó đối phó. Điều đáng khích lệ là khi được Quân khu 9 giao nhiệm vụ, cùng với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành của UBND tỉnh, tất cả cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh đều hoàn thành tốt chức trách của mình”, dù rất vất vả, khó khăn.

Theo đại tá Phạm Thành Nghĩa, nhìn lại công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh nói chung và lực lượng vũ trang nói riêng, chỉ trong một thời gian ngắn, các tình huống xảy ra liên tục nên không thể tránh khỏi lúng túng ban đầu. Công việc hết sức mới mẻ, với hàng loạt tình huống phát sinh, không nằm trong dự kiến trước đó.

Qua giai đoạn này, các cấp, ngành, địa phương cùng đề xuất giải pháp thực hiện phù hợp, phản ứng nhanh nhạy hơn. BCĐ Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu BCĐ tỉnh tháo gỡ những vấn đề mang tính cấp bách: chuẩn bị điểm cách ly tập trung, phân loại người được cách ly, tận dụng mọi cơ sở vật chất có sẵn, mua sắm thêm để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người được cách ly; giải quyết vướng mắc trên tuyến biên giới...

Rất nhiều đêm, các thành viên trong BCĐ phải thức trắng, đi đến tận nơi tìm hiểu, giải quyết kịp thời vướng mắc, khó khăn; chú trọng tham mưu đúng, kịp thời cho tỉnh. Phải làm sao để tránh lãng phí tiền của, công sức một cách vô ích; phải thể hiện sự năng động, sáng tạo, quyết đoán của từng thành viên.

Trong đội ngũ làm nhiệm vụ, biết bao người lính đã gác lại tình riêng, chấp nhận vất vả, nhường lại mọi điều tốt đẹp nhất cho nhân dân. Họ tạm xa gia đình, người thân đau ốm cũng chỉ thăm hỏi qua điện thoại. Họ muốn được ôm đứa con bé bỏng mới sinh vào lòng, muốn có giấc ngủ thật ngon sau chuỗi ngày tuần tra biên giới 24/24 giờ...

Sau mỗi đợt hoàn thành cách ly tập trung, điều lớn lao nhất họ nhận được là sự tin yêu, ủng hộ của nhân dân. Hơn lúc nào hết, hình tượng của người lính Cụ Hồ trong thời bình, thông điệp về “văn hóa quân sự”... được lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, từ trái tim chạm đến trái tim!

“Về đây ở, thương mấy chú bộ đội quá hà, cực khổ với chúng tôi suốt. Tôi mà có con gái chưa chồng, tôi đem gả cho bộ đội liền!” - bà Nguyễn Thị Kiều (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) diễn tả tình cảm của mình đối với các cán bộ, chiến sĩ tại khu cách ly Trường Quân sự tỉnh (thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn) bằng cách nói dí dỏm như thế.

BCĐ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 Bộ CHQS tỉnh quản lý 736 người cách ly tập trung tại các đơn vị quân đội trong tỉnh. Hiện giờ, tất cả đơn vị này đã hoàn thành nhiệm vụ, công dân đều đã trở về với gia đình. Trường Quân sự tỉnh (cũ) là đơn vị trong tỉnh đầu tiên tiếp nhận người cách ly mang tính quốc gia, với số lượng lớn công dân của nhiều nước (Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga).

Tấm lòng của người Việt đối với bạn bè quốc tế trong giai đoạn khó khăn, thể hiện trong từng chi tiết nhỏ: nghiên cứu văn hóa, phong tục tập quán (sinh hoạt, ăn uống...) của người nước ngoài để chu toàn. Bất đồng ngôn ngữ, các bên vẫn giao tiếp với nhau thật vui bằng cử chỉ, nụ cười, giọt nước mắt... Sau khi hoàn thành đợt cách ly, công dân trở về nước, nhưng những tình cảm trân quý dành cho bộ đội Việt Nam còn đọng lại, khó có thể phai nhòa.

“Sắp tới, tình hình dịch bệnh sẽ còn nhiều phức tạp, phải hết sức cảnh giác, đề phòng nhiều kịch bản diễn ra. Do đó, công tác tuyên truyền trong cộng đồng được tăng cường hơn nữa, để nâng cao tính tự giác của mỗi người dân, góp phần chiến thắng dịch bệnh. Tôi cũng mong muốn nhận được sự chia sẻ, đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân đối với lực lượng vũ trang nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung, giống như truyền thống đoàn kết, một lòng đánh thắng giặc của thời chiến. Về phía mình, khó như thế này, chứ còn khó hơn nữa, chúng tôi vẫn sẵn sàng đảm đương nhiệm vụ, không bao giờ lùi bước!” - đại tá Phạm Thành Nghĩa bày tỏ.

GIA KHÁNH

Tính đến sáng 14-4, Bộ CHQS tỉnh An Giang đã tiếp nhận được nhiều vật tư y tế và nhu yếu phẩm do các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh trao tặng. Cụ thể như: 130 bộ quần áo phòng, chống dịch bệnh, 13.670 khẩu trang các loại, 1.500 đôi găng tay y tế, hơn 600 chai rửa tay sát khuẩn các loại. Bên cạnh đó, còn có sữa, mì gói, nước tương, xà bông... Những phần quà này sẽ được chuyển đến tận tay cán bộ, chiến sĩ đang trực tiếp làm nhiệm vụ, giúp họ vững lòng hơn trong những ngày “chiến đấu” gian khổ.