“Nhảy việc” ở giới trẻ - nên hay không nên?

05/12/2019 - 07:25

 - Đây là việc xảy ra thường xuyên ở giới trẻ nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm mới cũng như những trải nghiệm với nhiều công việc nhằm tích lũy kinh nghiệm, khám phá bản thân và cuối cùng là chọn lựa công việc phù hợp nhất để ổn định cuộc sống. Song, trên thực tế cũng không ít giới trẻ “nhảy việc” theo phong trào, thiếu suy nghĩ chín chắn dẫn đến không có môi trường và công việc ổn định.

Bạn Thanh Trúc (bìa trái) đã tìm được đam mê trong việc kinh doanh mỹ phẩm

Bạn Nguyễn Lại Thanh Trúc (sinh năm 1988, ngụ ấp Trung Bình, thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn), hiện là chủ cửa hàng quần áo trẻ em và mỹ phẩm chia sẻ: “Mặc dù bản thân đã có sự nỗ lực, gắn bó với công việc đi dạy hơn 8 năm, nhưng trước áp lực của nghề như: đứng lớp, soạn giáo án, làm hồ sơ sổ sách mà sức khỏe không đáp ứng được nên bản thân cảm thấy rất mệt mỏi và mong muốn chuyển đổi công việc. Điều may mắn là tôi tìm được công việc kinh doanh qua mạng. Công việc không những thỏa nguyện được niềm đam mê kinh doanh từ nhỏ của tôi, mà còn cải thiện được thu nhập của gia đình”. Tuy nhiên, để có lựa chọn nghề nghiệp cuối cùng bạn Trúc đã rất băn khoăn có nên từ bỏ công việc ổn định “nhiều người mơ”, để đổi lấy công việc mà thu nhập hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực kinh doanh. “Khi mình muốn làm công việc gì đó, không phải thích là làm, phải suy nghĩ bản thân có đam mê và gắn bó lâu dài hay không, công việc có cần nguồn vốn không, bản thân có những yếu tố, kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc không. Chẳng hạn, khả năng tư duy, nhạy bén trong kinh doanh để bắt kịp sự thay đổi của thị trường, thị hiếu khách hàng, tinh thần học hỏi, dấn thấn, sự kiên trì tích lũy kinh nghiệm, đi lên từ những mô hình nhỏ nhất” - bạn Trúc chia sẻ những suy nghĩ về sự lựa chọn của mình.

Chàng trai Trương Thành Đạt (một kỹ sư nông nghiệp thuộc thế hệ 9X), tốt nghiệp Trường Đại học An Giang khi vừa ra trường đã trải nghiệm công việc phát triển thị trường cho các doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Với niềm đam mê nông nghiệp sạch, Đạt đã mạnh dạn từ bỏ công việc với mức thu nhập trên 10 triệu đồng để về quê thuê đất trồng rau sạch hữu cơ. Đó là những ngày gian khó khi Đạt liên tiếp kinh doanh thua lỗ. Thế nhưng, sau gần 2 năm Đạt đã phát triển được thương hiệu Nông trại Ếch Ộp, với lượng khách hàng thường xuyên rất ổn định. Hiện tại, Đạt còn tham gia khóa học về lãnh đạo cộng đồng làm nông nghiệp hữu cơ tại Nhật Bản để tiếp tục dấn thân vào con đường nông nghiệp sạch.

Đó là những bạn đã đủ thẩm thấu những tính chất của công việc, đã nỗ lực hết mình để học hỏi, trải nghiệm với nghề và cuối cùng mong muốn tìm kiếm cho mình những cơ hội mới, môi trường làm việc mới để thỏa được đam mê, phát huy sở trường và kỹ năng của mình. Thế nhưng, trên thực tế lại có nhiều người “nhảy việc” vì rất nhiều lý do như: công việc nhàm chán, bản thân không tìm thấy niềm vui, sự hứng khởi trong công việc hoặc bức xúc với đồng nghiệp, người quản lý, đồng lương không đủ đáp ứng với nhu cầu cuộc sống cá nhân và gia đình. Cùng với đó, những hình ảnh long lanh và các câu chuyện huyền ảo khắp mọi nơi (mạng xã hội, phim ảnh) là một trong những nguyên nhân thúc đẩy người trẻ chẳng những mong muốn có nhiều tiền hơn, mà còn phải kiếm tiền nhanh hơn. Thế là, họ tin rằng sẽ có lối tắt ở đâu đó mang họ đến với thành công, chứ không phải là công việc thực tại. Chính vì thế, một số bạn trẻ mới ra trường chưa làm việc được bao lâu đã vội tìm kiếm công việc nhẹ nhàng, lương cao, mà thực tế để nhận lương cao từ doanh nghiệp, người lao động phải đủ năng lực, trình độ, sự kiên trì, khả năng chịu đựng áp lực công việc rất cao. Không chịu được bất kỳ sự ràng buộc hay thời hạn công việc nào, một số bạn trẻ đã xây “lâu đài cát” quá sớm khi chưa đủ kinh nghiệm, vốn liếng, lại thích tự làm chủ với việc mở quán ăn, quán cà phê, chủ cửa hàng thời trang hay “về hưu sớm” tìm kiếm mảnh vườn cuốc đất trồng rau để mong cuộc sống nhàn hạ, nhiều tiền. Thế rồi trải nghiệm xong, người trẻ mới thật sự vỡ mộng vì không lường trước những khó khăn, thách thức của các công việc.

Có thể nói, “nhảy việc” là một xu hướng tất yếu trong tình hình hiện nay, điều này không chỉ xảy đến với các bạn sinh viên mới ra trường, mà còn khá nhiều lao động trẻ khác. Khó có một chuẩn mực nào để cho rằng, “nhảy việc” là nên hay không nên, nhưng điều quan trọng nhất mà người lao động cần chiêm nghiệm là: mình học hỏi được gì sau những lần “nhảy việc” ấy và nếu có ý định “nhảy việc” thì hãy suy nghĩ thật kỹ: “Điều này có thật sự cần thiết?” Vì suy cho cùng, mục đích cuối cùng của tất cả mọi người là tìm được một công việc phù hợp nhất để xây dựng sự nghiệp vững chắc cho bản thân.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG