Ðộc đáo điệu hát Sli của dân tộc Nùng

28/04/2021 - 08:12

Hát Sli của dân tộc Nùng, xã Xuân Dương, huyện Na Rì (Bắc Kạn) ra đời, tồn tại và lưu truyền trong cộng đồng gắn liền với hoạt động của "Chợ tình Xuân Dương" được tổ chức vào ngày 25 tháng 3 âm lịch hằng năm. Ðây là loại hình trình diễn nghệ thuật dân gian tiêu biểu, đặc sắc của đồng bào Nùng nơi đây.

Hằng năm, cứ gần đến dịp 25-3 âm lịch, không chỉ đồng bào Nùng mà cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn lại rủ nhau chuẩn bị đến chợ tình Xuân Dương. Chợ là nơi, là dịp để hẹn hò, giao lưu và trở thành "sân khấu" diễn xướng điệu hát Sli độc đáo. "Sli" trong tiếng Nùng nghĩa là thơ. Hát Sli là hình thức hát dưới dạng đối đáp nam nữ, thường do một hoặc vài đôi trai gái trong các ngày hội, ngày chợ, ngày cưới, ngày vào nhà mới... Bao giờ cũng có người đứng ra Sli trước (kiểu mời gọi lĩnh xướng), người hát trước thường là người có giọng vang, trong và phải có khả năng ứng đối khéo léo, tài tình và nhanh nhạy. Khi bên này vừa ngừng tiếng Sli (hỏi) thì bên kia cũng phải có người nhanh chóng cất lời Sli để đáp lại với lối hát bè, hòa thanh giọng cao, giọng thấp, không có nhạc đệm, không có vũ đạo kèm theo, khi hát người hát tự phối bè với nhau, giao lưu, trình diễn theo một chủ đề, cốt truyện nhất định do người hát tự biên, tự diễn thể hiện qua nét mặt, qua một vài cử chỉ, điệu bộ của tay để diễn tả nội dung khi hát.

Một buổi hát Sli của đồng bào dân tộc Nùng, xã Xuân Dương, huyện Na Rì (Bắc Kạn).

Sli có ba lối hát cơ bản là hát nói (đọc thơ); xướng Sli (ngâm thơ); dằm Sli hoặc nhằm Sli (lên giọng hát) theo hình thức hát thể tự do và thể có bài bản tổ chức thành cuộc hát. Một cuộc hát Sli thường diễn ra theo ba chặng, gồm: chặng một là những bài hát chào mời thăm hỏi; chặng hai là những bài hát trao đổi tâm tư tình cảm, là chặng lôi cuốn nhất của hát Sli; chặng thứ ba là những bài tiễn biệt dặn dò, hẹn ước ngày tái ngộ. Về kết cấu, Sli là những bài thơ, bài văn vần có độ dài ngắn khác nhau, thường được thể hiện theo thể thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt. Cơ bản các bài Sli chỉ khoảng từ bốn đến tám câu, cá biệt có những bài Sli chỉ có từ 5 đến 7 chữ và cũng có những bài dài đến hàng trăm câu.

Theo nghệ nhân Nông Văn Hồ (xã Xuân Dương), để bảo vệ và phát huy những giá trị đặc sắc hát Sli của người Nùng thì việc truyền dạy lại cho thế hệ trẻ là hết sức cần thiết. Các nghệ nhân trong xã tích cực tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức, bồi dưỡng niềm say mê, yêu thích, tự hào cho các thế hệ con cháu trong gia đình, dòng họ đối với những làn điệu dân ca, dân vũ nói chung và điệu Sli của dân tộc Nùng nói riêng với mong muốn những làn điệu Sli sẽ được lưu truyền lâu dài cho các thế hệ sau.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng cho biết, ngày 9-3-2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định đưa điệu hát Sli của người Nùng, xã Xuân Dương, huyện Na Rì vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ðể gìn giữ, trao truyền, không để mai một di sản điệu hát Sli, tỉnh Bắc Kạn đã đề nghị các cấp, ngành, đặc biệt là nghệ nhân dân gian, cộng đồng dân cư tại các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, phát huy, trao truyền trong cộng đồng. Tiếp tục đề xuất chính sách hỗ trợ cộng đồng, gia đình và nghệ nhân tổ chức truyền dạy, trình diễn, quảng bá di sản này.

Theo TUẤN SƠN (Báo Nhân Dân)