“Ông ngoại” đặc biệt

04/09/2024 - 01:59

 - “Ông ngoại ơi, con ăn kem được không ạ? Ông ngoại ơi, con đi chơi một chút được không? Cày là gì vậy ông ngoại?...”. Những câu hỏi ngây thơ của các em ở Lớp học tình thương khóm Nguyễn Du (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) đủ để thấy sự kính trọng và yêu thương dành cho ông Ba Thời - người “khai sinh” lớp học.

Ông Ba Thời luôn yêu thương và dành sự chăm sóc đặc biệt cho học sinh lớp học tình thương

Ông Nguyễn Hữu Thời (sinh năm 1951) hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh kiêm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Mỹ Bình. Là thương binh 2/4, ông không khỏi trăn trở về việc học của trẻ em lao động nghèo nơi mình sinh sống. Khóm Nguyễn Du thời trước là nơi tụ tập rất nhiều thành phần bất hảo, thậm chí có đến hàng chục trẻ em có nguy cơ sa vào tệ nạn xã hội. Đa phần gia đình các em là lao động nghèo, làm thuê quanh năm, không quan tâm đến sinh hoạt, đạo đức, học hành của con em.

“Điều đó đã thúc đẩy tôi xin ý kiến lãnh đạo phường Mỹ Bình, để Lớp học tình thương khóm Nguyễn Du chính thức ra đời vào tháng 10/1992. Từ đó đến nay, đã 32 năm trôi qua. Lớp học là nơi nuôi dưỡng kiến thức cơ bản, ươm mầm yêu thương cho bao thế hệ học trò xóm lao động nghèo. Nếu những ngày đầu thành lập, lớp học chỉ có khoảng 4 em, thì nay đã lên 13 - 15 em” - ông Ba Thời cho biết.

Đó là nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương, đặc biệt là sự yêu thương của ông, giúp lớp học luôn là điểm tựa của những đứa trẻ thiếu thốn tình thương, thiệt thòi vật chất nơi đây.

Chia sẻ với chúng tôi, ông kể, bằng đôi chân khập khiễng do trúng đạn trong chiến tranh, ông đã đi “gõ cửa” từng nhà có trẻ nhỏ chưa được đến trường, vận động phụ huynh cho con tham gia lớp học, ông kiêm luôn nhiệm vụ thầy giáo.

Để đảm bảo hoạt động của lớp học và giữ chân học trò, ông dành hết khoản tiền trợ cấp thương binh hàng tháng để trang bị những thứ cần thiết cho lớp học, mua dụng cụ học tập cho học sinh. Việc làm ấy vẫn được duy trì đến nay. Ông tâm sự: “Những ngày đầu mở lớp, các cháu đi học rất thưa thớt, vắng học thường xuyên. Để “dụ” bọn trẻ, mỗi ngày tôi đều mua bánh trái, lo luôn tập sách để cha mẹ “thoải mái” cho con đến lớp”.

Cứ thế, hơn 30 năm trôi qua, ông Ba Thời vẫn luôn tận tâm với lớp học như buổi ban đầu. Hiện tại, lớp học tình thương có tất cả 13 em theo học từ chương trình lớp 1 đến lớp 5. Đối với từng học sinh, ông Thời luôn tìm hiểu rõ về hoàn cảnh gia đình để có cách giúp đỡ phù hợp.

Ông cho biết: “Các cháu đang theo học ở đây phần lớn là con em lao động nghèo từ nơi khác, làm nghề bán vé số, phụ hồ, làm mướn hoặc buôn bán nhỏ… Cha mẹ tất bật mưu sinh, không quan tâm đến việc làm giấy tờ cho các cháu nhập học đúng tuổi. Tôi và các cô giảng dạy ở lớp hiểu rõ hoàn cảnh, nên thương và đối xử với các cháu như ruột thịt. Ngoài dạy kiến thức, lớp học còn tổ chức ngoại khóa, dạy kỹ năng sống, rèn đạo đức cho các cháu”.

Nhớ lại những ngày đầu vận động học sinh ra lớp học, người thương binh ấy bộc bạch: “Phụ huynh không chịu, họ sợ con em học rồi không còn thời gian phụ giúp việc nhà. Dần dần, thấy được lợi ích và ý nghĩa của lớp học, con em chăm ngoan, siêng năng và nghe lời hơn, từ vài em theo học ban đầu, các bậc cha mẹ tự nguyện đưa con đến lớp học nhiều hơn. Dù không còn trực tiếp đứng trên bục giảng, nhưng mỗi bước đi, từng “nhịp đập” của lớp học tôi đều dõi theo”.

Từ đó đến nay, ông không giữ lấy khoản tiền lương, chế độ nào cho riêng mình, mà chỉ chăm bồi cho lớp học tình thương. Ông dành trên 4 triệu đồng/tháng mua quà cho các cháu; tuyên truyền nếp sống văn hóa, lễ nghĩa, các kỹ năng sống giúp các cháu tránh xa tệ nạn xã hội, bảo vệ bản thân. Để khuyến khích tinh thần học tập, ông còn nghĩ ra việc khen thưởng khi đạt thành tích tốt. Vậy là, đứa nào cũng phấn đấu để được nhận quà của “ông ngoại”.

Ông Ba Thời cũng không nhớ tụi nhỏ bắt đầu kêu mình là “ông ngoại” từ khi nào, chỉ biết rằng, tiếng kêu ấy thật thân thương, gần gũi. Một buổi có mặt trong chuyến về nguồn tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), chúng tôi mới thấy sâu đậm tình cảm ông - cháu ấy.

Dù không máu mủ ruột thịt, nhưng ông rất yêu thương các cháu. Không chỉ bỏ tiền ra lo toàn bộ chi phí đi lại, ăn uống cho chuyến du khảo, ông còn dành nhiều thời gian để nói cho các cháu hiểu thêm về Bác Tôn, dần khắc họa tình yêu với vị lãnh tụ kính yêu của đất nước.

Cô Phan Thu Thủy (hiện là giáo viên Lớp học tình thương Nguyễn Du) chia sẻ: “Chú Ba Thời là “ông ngoại” đặc biệt của các em ở lớp học này. Bằng tình cảm chân thành, chú lo cho các em mọi thứ. Sau những buổi học ở lớp, các em sẽ được cho ăn theo thực đơn khác nhau, để có tinh thần và sức khỏe tốt nhất. Tôi cho rằng, đó là tình thương của một người ông trong gia đình!”.

Ngần ấy năm thành lập lớp học “đặc biệt” tại khóm Nguyễn Du, đến nay đã có hàng trăm trẻ em nghèo, vi phạm pháp luật đã được ông cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ, đã trở thành công dân hữu ích cho xã hội. Có việc làm ổn định, nhiều em quay về giúp đỡ tiền bạc để lớp học tình thường ngày càng khang trang, sạch đẹp.

“Tôi sẽ tiếp tục công việc này cho đến cuối đời. Rất mong, ngày càng có nhiều tấm lòng đến với trẻ em nghèo, bất hạnh, bởi mọi đứa trẻ đều xứng đáng có một tương lai tốt đẹp và tươi sáng!” - ông Ba Thời bộc bạch.

PHƯƠNG LAN