“Thay da, đổi thịt” vùng đất Long Hòa

30/07/2019 - 07:45

 - Tự hào là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, người dân xã Long Hòa (Phú Tân) không chỉ phát huy tinh thần đoàn kết và vượt khó trong mọi hoàn cảnh, mà còn tích cực xây dựng đời sống văn hóa mới, góp phần phát triển quê hương. Với nền tảng là nông nghiệp, nông dân xã Long Hòa “biến” thành lợi thế nhờ biết đổi mới cách thức sản xuất, lựa chọn vật nuôi, cây trồng phù hợp đem lại những bước tiến rất tích cực về đời sống kinh tế.

“Thay da, đổi thịt” vùng đất Long Hòa

Các mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất tạp và đất kém hiệu quả

Qua phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, giúp nhau phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016-2019, trên địa bàn xã Long Hòa có nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Tỷ lệ hộ nông dân đăng ký thực hiện và được công nhận danh hiệu “Nông dân sản sản xuất - kinh doanh giỏi” các cấp đều đạt tỷ lệ trên 80%. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều nông dân gắn với mô hình làm ăn tiêu biểu, tích cực tìm tòi, học hỏi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây giống, con giống mới như: mô hình trồng cà na Thái, xoài Đài Loan, chanh bông tím, mô hình đa canh khép kín song song với giữ gìn và phát triển nghề truyền thống trồng trầu cho thu nhập ổn định.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hòa Võ Minh Hiền cho biết, để thực hiện tốt chủ đề “Năm nông nghiệp” của huyện và “Năm khởi nghiệp” của Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân xã đã chủ động tuyên truyền, vận động hội viên nông dân chuyển kinh tế nông nghiệp từ trồng lúa, nếp, đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Bởi trong giai đoạn hiện nay, sức cạnh tranh của bà con nông dân trồng lúa, nếp thấp hơn so với trồng cây ăn trái, cây có múi, nên Hội Nông dân xã luôn khuyến khích bà con nghiên cứu chuyển đổi phù hợp theo điều kiện.

Ông Bành Văn Nhứt (ngụ ấp Long Thạnh 2) đã chuyển đổi gần 3 công đất ruộng trồng ca na và bắt đầu thu lời. Theo ông Nhứt, cà na Thái cho trái quanh năm, chịu hạn tốt, kháng sâu bệnh nên hạn chế sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật và cho năng suất khá cao. Mỗi năm cho 3 mùa trái, 200 cây cà na cung cấp cho gia đình ông Nhứt 1,5 tấn trái/đợt, lợi nhuận thu được 45 triệu đồng. Mô hình trồng chanh bông tím của nông dân Nguyễn Văn Vút (ngụ ấp Long Thạnh 2) là một mô hình triển vọng góp phần vào hiệu quả của việc chuyển đổi cây trồng. Ông Vút có tổng cộng 14 công đất, phần lớn là đất ruộng chuyên trồng lúa, nếp và 2 công đất vườn tạp. Được Hội Nông dân tạo điều kiện đi tham quan thực tế ở một số nơi, 2 năm trước ông Vút khởi đầu chuyển 2 công đất vườn tạp trồng chanh bông tím. Sau 8 tháng, chanh cho trái được 100kg. Kể từ đó, đều đặn mỗi tháng thu hoạch 1 lần và năng suất cứ tăng dần, với giá bán 22.000 đồng/kg. Do loại chanh bông tím nhiều nước, thơm và có vị chua thanh nên được thị trường ưa chuộng. Ông Vút nhẩm tính, mỗi đợt thu hoạch trừ chi phí còn lời 17 triệu đồng nên năm 2018 ông chuyển thêm 5 công đất trồng lúa sang trồng chanh bông tím, xen canh thêm chuối cau cùng một số loại cây ăn trái khác. Sau 10 tháng, số chuối trồng được cho nguồn thu 150 triệu đồng.

Xã Long Hòa có thế mạnh về đất đai màu mỡ, điều kiện tưới tiêu thuận lợi nên nhiều năm qua, bên cạnh phát triển nhiều loại cây trồng mới, người dân có cuộc sống ổn định từ mô hình trồng trầu quyết tâm giữ lại nghề gia truyền này. Đây là mô hình có số hộ tham gia nhiều nhất (hơn 40 hộ) với tổng diện tích trên 5.000m2, phần lớn các hộ theo nghề đã nối đời qua 3 thế hệ trở lên. Qua bao thăng trầm, dây trầu vẫn sống khỏe, xanh mướt, có đầu ra ổn định, đem lại thu nhập cho cả người trồng và lao động hái trầu, liễn trầu.

Bên cạnh lúa và nếp, xã Long Hòa hiện có trên 17ha trồng cây ăn trái các loại như: bưởi, ổi, quýt, chanh, xoài… Theo kế hoạch, xã Long Hòa sẽ tiếp tục thực hiện vận động nông dân có đất trồng kém hiệu quả và vườn tạp chuyển sang trồng vườn cây ăn trái có giá trị để nâng cao thu nhập. Vùng đất Long Hòa đã “thay da, đổi thịt” từ phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi và hỗ trợ giúp nhau giảm nghèo”, góp phần điểm tô những nét tươi mới vào diện mạo đời sống ở nông thôn. Phong trào đã khơi gợi trong mỗi gia đình hội viên ý chí vươn lên làm giàu, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

MỸ HẠNH