“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”

17/09/2020 - 03:47

 - Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Theo Người, thi đua để mọi người đều làm việc tốt hơn, nhiều hơn; “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

Mô hình xây nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo không có đất ở tại TP. Long Xuyên giúp giảm nghèo hiệu quả. Ảnh: GIA KHÁNH

Hơn 70 năm qua, Đảng, nhân dân ta luôn quán triệt và không ngừng vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh để triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua và công tác thi đua, khen thưởng, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước. Giai đoạn 2015-2020, cùng với cả nước, An Giang thực hiện hàng loạt phong trào thi đua yêu nước nổi bật do Trung ương phát động, các phong trào đặc trưng của tỉnh.

Đối với phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)” giai đoạn 2016-2020, tỉnh xác định: xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, đã xác định xã điểm, huyện điểm để chỉ đạo thực hiện, rút kinh nghiệm và nhân rộng cho các địa phương.

Đến tháng 6-2020, tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (huyện Thoại Sơn, TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên) được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Toàn tỉnh có 61/119 xã được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định công nhận đạt chuẩn NTM (tỷ lệ 51,26%).

Đối với phong trào “Doanh nghiệp An Giang hội nhập và phát triển”, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách và các chương trình, kế hoạch hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh. Qua đó, giải quyết kịp thời 100% kiến nghị của doanh nghiệp; thành lập Ban hỗ trợ doanh nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện, Trung tâm Tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính cấp tỉnh, giúp giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian, chi phí, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Phong trào thi đua đã động viên, khích lệ doanh nhân - doanh nghiệp thi đua, lao động sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, đóng góp tích cực nguồn thu vào ngân sách nhà nước, tham gia các chương trình xã hội, chương trình giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa...

Trong phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh lồng ghép vào nội dung thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” hàng năm và hoạt động quỹ Vì người nghèo; đẩy mạnh giám sát, đánh giá giảm nghèo. Lồng ghép có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với công tác giảm nghèo, an sinh xã hội; tăng cường các chính sách trợ giúp, hỗ trợ về giáo dục, dạy nghề, tín dụng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người… Khối đại đoàn kết ngày càng được củng cố, mở rộng khơi dậy truyền thống đoàn kết, tạo nên sức mạnh trong cộng đồng dân cư.

Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng và nâng cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, đạo đức nghề nghiệp của viên chức; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; phòng, chống tham nhũng, xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua những việc làm cụ thể hàng ngày, trên từng lĩnh vực công tác.

An Giang còn nhiều phong trào thi đua tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh. Điển hình như phong trào thi đua yêu nước lập thành tích chào mừng kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 – 20-8-2018); thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc học tập và làm theo Bác tiếp tục lan tỏa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nổi bật là các hoạt động xã hội - từ thiện như: giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học; xây cầu, làm đường; hiến đất xây dựng trường học, trạm y tế, làm đường nông thôn; xe chuyển bệnh miễn phí cho người nghèo; bếp cơm từ thiện tại các bệnh viện.

Trong phong trào thi đua cải cách hành chính, kết quả nhận thấy rõ nhất là năm 2016, kết quả chỉ số cải cách hành chính đạt 72,89 điểm, xếp hạng 36/63 tỉnh, thành phố cả nước và xếp thứ 5 so với khu vực ĐBSCL. Đến năm 2019, tỉnh đạt 83,32 điểm, xếp hạng 11/63 tỉnh, thành phố cả nước và xếp thứ 3 so với khu vực ĐBSCL.

Có thể thấy, phong trào thi đua yêu nước của tỉnh 5 năm qua đã bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, có tác dụng động viên, giữ vững và phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tính năng động, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, tạo động lực mới, nhân tố mới giúp tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, mang lại diện mạo và sức sống mới cho quê hương.

Giai đoạn 2016-2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng thưởng Cờ thi đua cho 699 tập thể; 3.117 tập thể Lao động xuất sắc; 753 Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 9.865 bằng khen UBND tỉnh. Khen thưởng chuyên đề, đột xuất 16.144 bằng khen UBND tỉnh... Có 138 trường hợp được Chủ tịch nước tặng, truy tặng Huân chương, Huy chương kháng chiến và 15 trường hợp được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 204 bà mẹ; Huân chương Độc lập cho 87 gia đình có nhiều liệt sĩ hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

GIA KHÁNH