“Thời gian vàng” trong cấp cứu đột quỵ

13/09/2022 - 06:50

 - Đột quỵ não (hay tai biến mạch máu não) là bệnh thường gặp, ngày càng gia tăng ở người lớn tuổi. Bệnh gây tổn thương não lâu dài, dẫn tới tàn tật và tử vong. Nguyên nhân là do bệnh nhân đến bệnh viện quá trễ; dòng máu nuôi não bị tắc nghẽn quá lâu, hoặc mạch máu trong não bị vỡ, gây chèn ép, làm tế bào não bị tổn thương/chết quá nhiều.

"Thời gian vàng"

Đây là mốc thời gian quan trọng nhất để quyết định việc cứu sống bệnh nhân hay không. Trong đột quỵ, có 2 mốc “thời gian vàng”, là 4,5 giờ từ khi khởi phát đột quỵ và 6 giờ từ khi khởi phát đột quỵ. Tùy theo thời điểm bệnh nhân nhập viện, sẽ có biện pháp can thiệp, điều trị khác nhau.

Trong vòng 4,5 giờ đối với tắc nghẽn mạch máu nhỏ. Nếu nhập viện trong thời gian này, được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán là đột quỵ nhồi máu não, cùng với các xét nghiệm đảm bảo đủ điều kiện sức khỏe, bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc tan máu đông (thuốc tiêu sợi huyết) đường tĩnh mạch rTPA. Nhưng nếu người bệnh bị nhồi máu não do tắc động mạch lớn nội sọ (động mạch cảnh trong, não giữa M1, thân nền…) thì có thể tiêm rTPA. Tuy nhiên, sau đó sẽ được chuyển đến “phòng DSA” can thiệp lấy huyết khối.

Trong vòng 6 giờ đối với tắc nghẽn mạch máu lớn. Dù là tắc mạch nhỏ, nhưng nếu bệnh nhân nhập viện sau 4,5 giờ cũng sẽ không được chỉ định tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Ngược lại, nếu tới cơ sở y tế trong khoảng thời gian 6 giờ, được chẩn đoán đột quỵ do tắc động mạch lớn, người bệnh sẽ được can thiệp thái thông nội mạch lấy huyết khối.

Ý nghĩa “thời gian vàng”

Các nhà khoa học đã phân tích và chứng minh, đối với bệnh nhân bị tắc nghẽn mạch máu hoặc đột quỵ nhồi máu não, cứ 1 phút trôi đi sẽ có 2 triệu tế bào thần kinh chết đi. Vì vậy, nếu không nắm bắt được “thời gian vàng”, đến bệnh viện kịp thời thì nguy cơ tàn phế hoặc tử vong rất cao.

Ngược lại, nếu cấp cứu trong mốc “thời gian vàng”, người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc, các phương pháp can thiệp nhanh chóng, đem lại nhiều hiệu quả hồi phục. Sau mốc 6 giờ, việc can thiệp sẽ kém hiệu quả hơn so với mốc 4,5 giờ, bởi lúc này tổn thương não quá nặng, rất dễ gặp tỷ lệ tai biến cao sau khi can thiệp.

Khác nhau về "thời gian vàng" trong nhồi máu não và xuất huyết não

Đối với xuất huyết não, tỷ lệ chỉ chiếm 20-30% bệnh nhân, nhưng việc điều trị lại khó khăn và phức tạp hơn đột quỵ nhồi máu não. Đối với xuất huyết não, thời gian nào cũng là vàng; cấp cứu càng sớm càng tốt, chứ không phải là 4,5 giờ hay 6 giờ như đột quỵ nhồi máu não. Cấp cứu đúng nơi, có đủ trang bị và bác sĩ chuyên khoa; điều trị đúng phương pháp, trong “thời gian vàng”... sẽ cứu sống tới 70-80% bệnh nhân.

Tóm lại, chúng ta cần hiểu biết mốc “thời gian vàng” để xử trí khi chẳng may mình hoặc người nhà bị đột quỵ. Tiết kiệm được mỗi 15 phút thì sẽ giảm được 4% nguy cơ tử vong và tàn phế cho bệnh nhân đột quỵ.

BS LÊ MINH UY

(Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)