Thốt nốt nhiều như “đũa vắt ống tre”
Mờ sáng, có mặt tại cánh đồng thốt nốt Tà Ngáo, chúng tôi choáng ngộp trước hàng ngàn cây thốt nốt đang vươn mình trong nắng. Dưới ánh bình minh, cánh rừng thốt nốt được phản chiếu nhiều gam màu đa sắc, đẹp như tranh vẽ. Đứng giữa rừng thốt nốt, chúng tôi dường như bé nhỏ trước góc trời bao la toàn thốt nốt.
Xa xa, đồng bào vùng cao kĩu kịt gánh nước mật thốt nốt mang về thắng mẻ đường bán cho tiểu thương. Đổ từng bình nước mật vào can nhựa, gặp chúng tôi giơ máy lên ghi lại bức ảnh khoảnh khắc, chị Trần Thị Thúy cười bẽn lẽn: “Thốt nốt ở đây nhiều như “đũa vắt ống tre”. Dạo rày, có nhiều du khách đến đây quay phim, chụp ảnh “tự sướng” rần rần”.
Từ 5 giờ sáng, khi nhiều người còn đang ngáy ngủ, chị Thúy đã cùng chồng vào cánh đồng thốt nốt thu gom trên 300 lít nước mật thốt nốt, rồi đổ vào can nhựa chở về nhà nấu đường cân cho tiểu thương.
Thấp thoáng trong tàu thốt nốt cao vút, nhìn kỹ sẽ thấy bà con đang “đu đỉnh” thu hoạch mật. Những bình nhựa gắn dưới mỗi bông thốt nốt đều đầy ắp mật ngọt, anh Lê Văn Bằng (Tư Bằng, 46 tuổi) nhẹ nhàng nâng niu bình mật đeo bên hông.
Anh dùng dao gọt từng nhát bông thốt nốt loại bỏ những phần hư được lấy mật hôm qua. Gắn chiếc bình nhựa vào cuối bông thốt nốt, những giọt mật từ từ rỉ ra thơm nức mũi. Cứ như vậy, đến sáng, chiếc bình sẽ hứng đầy mật. Tại cánh rừng thốt nốt Tà Ngáo, Tư Bằng trồng hơn 100 cây cổ thụ.
“Hơn 30 năm trước, mẹ tôi trồng quanh bờ mẫu ruộng trên. Hồi đó, loại cây này ít ai chú ý. Khi cày ải đất chuẩn bị gieo mạ ruộng trên, người ta thấy trái chín rụng, rồi nhặt bỏ lăn lóc trên bờ mẫu. Dần dà, trái thốt nốt bám rễ, phát triển, mang lại thu nhập khá cho bà con nơi đây” - Tư Bằng nhớ lại.
Nhẫm tính, Tư Bằng gắn bó nghề leo thốt nốt tròm trèm 30 năm. Lật đôi bàn tay Tư Bằng xem mới ngỡ ngàng trước những đường gân, bắp thịt nổi cuồn cuộn. “Ngày nào cũng leo cây, cơ bắp “cứng khừ” nên khỏi tập tạ. Mỗi ngày, tôi leo trên 100 cây thốt nốt. Sáng sớm leo tới trưa thì nghỉ, mang nước mật thốt nốt về lò nấu đường. Nhờ rừng thốt nốt này, gia đình tôi có thu nhập ổn định” - Tư Bằng cười khục khặc.
Gần đó, Hai Quyên trồng gần 100 cây thốt nốt từ 30 - 40 năm tuổi, đang cho mật ngọt. Bao đời nay, cây thốt nốt giúp gia đình anh thu nhập bền vững ở nơi khô cằn này. “Hồi đó, ba tôi trồng trên bờ ruộng. Cây thốt nốt từ 20 năm trở lên mới bắt đầu cho trái và nước mật. Thấy ba tôi trồng thốt nốt, ai cũng cười, vì nghĩ không biết chừng nào mới có thành quả. Thời gian loay hoay, thốt nốt cho thu hoạch mật ngọt, hái ra tiền” - Hai Quyên bộc bạch.
Đặc sản trứ danh
Hai Trừ, người trồng nhiều thốt nốt theo bờ mẫu ruộng trên bày tỏ, loại cây này phát triển rất nhanh. Khi trái chín rụng, bên trong có màu vàng, hương thơm ngào ngạt, được dùng làm bánh bò thốt nốt. Thân thốt nốt tựa như thân cây dừa cao vút cho trái và mật ngọt nhiều tháng trong năm.
“Cây này trồng chơi nhưng ăn thiệt. Những lão nông lấy trái già lên mộng đặt chỗ đất trống sau nhà hoặc trồng trên bờ ruộng. Tới đời con, cháu, cây thốt nốt sẽ cho thu hoạch mật. Cây này chịu hạn bậc nhất. Tháng 3, Bảy Núi nắng hạn, cây cối rụng lá trơ trọi, vậy mà thốt nốt vẫn cho mật ngọt suốt nhiều tháng trong năm” - Hai Trừ trần tình.
Chỉ tay về cánh rừng thốt nốt, Hai Trừ cho biết, ở cánh đồng Tà Ngáo, bà con Khmer trồng thốt nốt rất nhiều. Có hộ trồng hơn 200 cây ven bờ mẫu ruộng. Mỗi vụ, họ cho người khác thuê thu hoạch nước mật thốt nốt thắng đường, kiếm thêm thu nhập rủng rỉnh.
Từ lâu, vùng Bảy Núi thuộc TX. Tịnh Biên và huyện Tri Tôn được biết đến là nơi trồng nhiều thốt nốt. Loại cây đặc hữu này chịu hạn rất khỏe, nhưng cho nước mật nhiều nhất vào những tháng hạn, mang lại nguồn lợi kinh tế cho bà con. Từ bông thốt nốt, bà con tạo nên hương vị đường thơm ngon. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, duy chỉ cánh đồng Tà Ngáo được mệnh danh là “thủ phủ” trồng thốt nốt. Hàng năm, nơi đây cung cấp lượng lớn đường thốt nốt cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Ông Đoàn Văn Phóng (Tư Phóng, 66 tuổi), người có thâm niên nấu đường thốt nốt cho biết, riêng khu vực này trồng hàng chục ngàn cây thốt nốt. Muốn lấy nước mật, người ta phải chặt một cây tre gai già thật dài và thẳng. Cứ mỗi nhánh chừa lại khoảng một gang tay, rồi cột cố định vào thân thốt nốt để dùng làm thang leo. Khi lưỡi mèo (bông thốt nốt) ra dài là lúc cắt mạch lấy mật đem nấu thành đường thốt nốt.
“Mùa này nắng gắt, 7 lít nước nước mật nấu thành phẩm 1kg đường. Mùa mưa, tới 10 lít mật thốt nốt nấu sánh lại được 1kg đường. Sáng nào cũng vậy, bà con tranh thủ đi lấy nước thốt nốt đem về nhà thắng đường. Nếu để đến trưa thì nước mật bị ôi chua, nấu đường không còn thơm ngon. Muốn cho ra một mẻ đường chất lượng, phải đun sôi liên tục 5 - 6 giờ. Sau đó để nguội, thương lái đến cân nườm nượp. Dứt vụ thu hoạch, bỏ sở hụi, bình quân mỗi hộ kiếm lời trên 30 triệu đồng” - Tư Phóng cho hay.
Ngày nay, đường thốt nốt không chỉ được bán trong nước, mà còn xuất sang thị trường khó tính, như: Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tư Phóng cũng là chủ cơ sở chế biến đường thốt lốt Lan Nhi cho biết, mỗi năm cở sở cung cấp thị trường nhiều sản phẩm từ cây thốt nốt, như: Đường, nhân, nước và đồ thủ công mỹ nghệ. Trong đó, đường là sản phẩm chính xuất khẩu sang Đài Loan, Nhật Bản, với sản lượng hàng chục tấn.
Dưới cái nắng vàng gắt gỏng của buổi trưa Bảy Núi, bà con nhanh chân gánh nước mật về nhà nấu đường thốt nốt. Hương thơm ngạt ngào lan tỏa khắp xóm, làm cho người ta mê say mùi vị đặc trưng miền sơn cước này.
Tư Phóng, chuyên thu gom đường thốt nốt cho hay, toàn vùng Bảy Núi có hàng chục ngàn cây thốt nốt được được bà con trồng khoảng 200 năm. Những cây lão không còn cho mật, người dân hạ làm đồ thủ công mỹ nghệ.
“Thủ phủ” thốt nốt Tà Ngáo cung cấp khoảng 12 tấn đường/ngày, suốt 8 tháng trong năm. Năm 2011, xã An Phú (nay là phường An Phú) được UBND tỉnh công nhận “Làng nghề nấu đường thốt nốt”, có 170 hộ, với 800 nhân khẩu. Trung bình, mỗi hộ nấu từ 50 - 100kg đường, thu nhập gần 1 triệu đồng/ngày. Nhiều thương hiệu đường thốt nốt ở đây nổi tiếng khắp nơi.
|
LƯU MỸ