Đó là Triển lãm 3D “Thưởng - Phạt: Chuyện xưa chưa cũ” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) tổ chức giới thiệu 80 văn bản đặc sắc được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn về chủ đề thưởng - phạt dưới triều Nguyễn (1802-1945). Đây là những văn bản lần đầu tiên được công bố, giới thiệu rộng rãi đến công chúng cùng với nhiều hình ảnh tư liệu, hiện vật sinh động.
Chuyện thưởng phạt xưa
Nội dung triển lãm được chia làm 4 phần. Phần I: Thưởng để khuyến khích - Phạt để răn đe, đề cập đến mục đích, vai trò, ý nghĩa của việc thưởng phạt. Qua Châu bản triều Nguyễn, có thể thấy các hoàng đế đều thể hiện rõ tư tưởng về việc thưởng - phạt nhằm mục đích: thưởng để khuyến khích - phạt để răn đe. Từ đó “người có công phấn khởi mà người có tội biết răn chừa” (Hoàng đế Minh Mạng). Bên cạnh đó, việc thưởng phạt hợp lý cũng thể hiện đất nước có công bằng, có kỷ cương.
Đoàn hộ tống quan, Nguồn: Henri Oger, "Technique du peuple Annamite" (Kỹ thuật của người An Nam)
Người xem lần đầu được thấy các văn bản của vua Minh Mạng khen thưởng cho nhiều người thực hiện các công việc khác nhau, có người hoàn tất trước thời hạn, có người hoàn thành xuất sắc, cũng có người lấy công chuộc tội…
Chẳng hạn, văn bản năm Minh Mạng thứ 14 phê về việc ban thưởng cho các quan binh có công tiễu phỉ ở các tỉnh Tuyên, Thái, Lạng, Bằng (Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng ngày nay), khen thưởng các quan công tu sửa các điện Trung Hòa, Cao Minh Trung Chính... chỉ trong một tháng đã hoàn tất…
Phần II: Thưởng phạt công minh, nhưng đủ lý tình. Châu bản triều Nguyễn cho thấy, việc ra quyết định khen thưởng hay xử phạt của triều đình dựa vào kết quả thực thi nhiệm vụ. Đối với quan lại, triều đình thực hiện khảo khóa. Kết quả khảo khóa được chia các hạng ưu, bình, thứ, liệt. Trên cơ sở này, triều đình quyết định việc thăng, giáng, lưu. Cũng như các vương triều trước, để hạn chế sự lạm quyền, lộng quyền và phát hiện sai phạm trong quá trình thực thi công vụ của quan lại, triều Nguyễn thiết lập cơ quan giám sát Đô sát viện với phương châm “dùng quyền lực hạn chế quyền lực”.
Một cảnh xử án. (Thư viện Đại học Côte d'Azur-Trung tâm Lưu trữ quốc gia sưu tầm)
Những trường hợp được thưởng phần lớn liên quan đến bảo vệ quốc gia, như tiễu phỉ, quyên góp hỗ trợ quân nhu, trừ giặc cướp…
Văn bản năm Minh Mạng 1827 viết: “Điều luật thì có hạn mà tình lý thì vô cùng, tất phải suy xét để quy kết cho thỏa đáng. Hình ngục là mạng sống của con người. Luật pháp là công bằng của thiên hạ. Người nắm pháp luật phải xem xét hết sức vô tư sao cho công bằng. Nếu cần phải tăng cấp trong luật pháp thì tất phải xem xét trong tình và lý. Nếu có tội quan trọng nên tăng cấp thì phải trình bày rõ ràng trong bảo án rằng, theo luật thì đáng bị tội gì nhưng thực chất vụ án là nặng thêm mấy bậc, không được hàm hồ. Như vậy thì mới định đúng với sự thực, lại không để mất cái ý thận trọng xử tội theo pháp luật”.
Phần III: Thưởng nhiều phương diện, nhưng không tùy tiện. Đối với quan lại, việc ban thưởng thưởng thường được thực hiện bằng các hình thức: thăng chức; thưởng vật chất (tiền bạc, mũ áo…); cấp kỷ, quân công... Triều Nguyễn cũng cho phép các quan được sử dụng văn bằng để khấu trừ khi vi phạm. Điều này thể hiện rõ trong Châu bản triều Nguyễn. Châu bản còn cho thấy, đối với quan viên, ban thưởng người có công trong lĩnh vực quân sự chiếm tỷ lệ lớn, tiếp đến là ban thưởng người hoàn thành tốt các công việc thường ngày.
Đối với người dân, việc ban thưởng thường dành cho những người đạt tiêu chuẩn về phẩm giá đạo đức như trung, trinh, hiếu, tiết, nghĩa... Bên cạnh đó, những người sống thọ cũng được triều đình đề cao và được gia ân ban thưởng. Hình thức ban thưởng thường là thưởng vật chất (tiền bạc, vải vóc…), ban biển ngạch.
Trong các văn bản về ban thưởng dưới triều Nguyễn, số lượng văn bản triều Tự Đức chiếm tỷ lệ lớn.
Phần IV: Xử phạt đúng tội, mở ra cơ hội. Hoàng Việt luật lệ quy định rõ về những hình phạt tương ứng với từng loại tội. Châu bản triều Nguyễn ghi lại một cách cụ thể khá nhiều vụ xử phạt. Trong đó, nhiều văn bản đề cập hình thức xử phạt cách chức, giáng cấp, phạt tiền. Hình thức phạt tiền đối với quan lại thường dựa trên lương bổng. Số tiền phạt sẽ đem sung công. Hình phạt ngũ hình (xuy hình, trượng hình, đồ hình, lưu hình, tử hình) mang tính chất cảnh cáo, răn đe.
Đặc biệt, với tội tham nhũng, các hoàng đế triều Nguyễn kiên quyết trừng trị nặng. Một số tội trạng khác cũng bị phạt nặng như làm chết trẻ con, ăn cắp, cưỡng dâm… Những quan lại tắc trách trong công việc, như để thiếu lương thực trong kho, chậm cấp gạo phát chẩn cho dân bị nạn lũ lụt… cũng đều bị xử phạt nhưng có lưu ý “cần phải hối hận vì lỗi trước mà cố gắng làm việc tốt về sau”.
Văn bản xử phạt viên quan tắc trách có ghi “cần phải hối hận vì lỗi trước mà cố gắng làm việc tốt về sau”. (Ảnh chụp màn hình)
Hoàng đế triều Nguyễn cũng mở ra cơ hội chuộc tội đối với người có công hoặc người tu dưỡng đạo đức tốt. Điều này đã tạo động lực phấn đấu cho không ít trường hợp, được ghi lại cụ thể trong Châu bản triều Nguyễn.
Thí dụ, nhà vua từng ban chiếu cho phép một viên vệ úy Thủy quân trước vì mắc lỗi bị giáng chức xuống làm đội trưởng, nay được đi làm nhiệm vụ chuộc tội. “Người nên hối hận với lỗi lầm trước kia, từ nay về sau gắng làm việc tốt” - chiếu viết.
Những câu chuyện từ triển lãm
Bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I cho biết, việc lựa chọn đề tài, lên ý tưởng cho triển lãm bắt đầu từ khá sớm, ngay từ đầu năm 2022. Việc nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn tài liệu và làm nội dung triển lãm được thực hiện trong khoảng 5 tháng và có khoảng 3 tháng thiết kế, thi công triển lãm để đưa ra sản phẩm hoàn thiện phục vụ công chúng.
Hình ảnh một buổi xử phạt được phục dựng trong triển lãm 3D.
Chị Hồng Nhung (Trung tâm Lưu trữ quốc gia I), người tham gia tổ chức triển lãm chia sẻ: “Trong quá trình nghiên cứu khối Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới, hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, chúng tôi nhận thấy có khá nhiều văn bản đặc sắc về chủ đề thưởng, phạt. Mỗi văn bản đề cập một sự việc cụ thể, đồng thời thể hiện tư tưởng quan điểm và cách làm của tiền nhân. Tìm hiểu cách làm của người xưa cũng là dịp để chúng ta đúc rút những giá trị tham khảo cho cuộc sống đương đại. Vì vậy, chúng tôi quyết định thực hiện triển lãm với mong muốn giới thiệu đến đông đảo công chúng giá trị đặc sắc của khối Châu bản triều Nguyễn về chủ đề thưởng, phạt”.
Châu bản triều Nguyễn là những văn bản hành chính, được viết chủ yếu bằng chữ Hán. Vì vậy, muốn chuyển những văn bản khô khan thành một triển lãm hấp dẫn, dễ tiếp cận đối với đại chúng, ban tổ chức đã phải tìm nhiều cách thức thể hiện khác nhau, như trưng bày văn bản kết hợp dịch tóm tắt nội dung, kết hợp ảnh tư liệu và hiện vật minh họa để triển lãm thêm sinh động; thiết kế không gian triển lãm, âm thanh, ánh sáng vừa bảo đảm chuyển tải nội dung, ý nghĩa của triển lãm, vừa phải ấn tượng, thu hút người xem…
Chị Hồng Nhung cho biết, mặc dù chủ đề triển lãm là thưởng phạt, nhưng những sự việc được đề cập trong văn bản với tình tiết cụ thể cho chúng ta thấy nhiều điều hơn cả chuyện thưởng, phạt đơn thuần.
Chẳng hạn các văn bản về chuyện thưởng Tết. Trong các khoản ban ơn cho quân dân vào Tết Nguyên đán năm Minh Mạng thứ 8 (1827), có một khoản ghi rằng: người 80 tuổi trở lên cấp cho 1 súc vải, 1 phương gạo; người 90 tuổi trở lên cấp cho 1 súc lụa, 2 phương gạo; người 100 tuổi trở lên cấp cho 2 súc lụa, 1 súc vải, 3 phương gạo. Điều này cho thấy hoàng đế triều Nguyễn rất đề cao và trân trọng người sống thọ.
Văn bản còn nêu rõ: Chúng thần đã dán treo công bố rộng khắp để toàn hạt được biết… Lại sức cho các quan phủ huyện đến trấn làm đơn lãnh lương gạo về lỵ sở, theo hạng phân cấp để tiện cho dân. Nghiêm sức không được mượn việc mà xâm lạm, lừa dối, để trừ thói xấu. Theo ân chiếu của hoàng đế Minh Mạng, các tỉnh trấn có người nghèo khổ, túng quẫn, cô quả, tàn tật… thì quan lại phụ trách lưu tâm cấp dưỡng.
Một văn bản xử tội ăn cắp và ấu dâm vào năm Thiệu Trị 1841.
Trong số những văn bản thưởng phạt dưới triều Nguyễn thì số văn bản thưởng phạt trong lĩnh vực quân sự chiếm tỷ lệ lớn nhất, đặc biệt là dưới triều Tự Đức. Một số văn bản đề cập khi biết tin các cuộc khởi nghĩa lần lượt thất bại, vua Tự Đức đã truyền dụ tìm kiếm thân nhân của các đầu mục khởi nghĩa để chu cấp tiền bạc và ban tập ấm cho con cháu, sai quần thần làm lễ tế những nghĩa sĩ tử tiết. Bên cạnh đó có nhiều văn bản về việc ban thưởng, khích lệ tinh thần võ quan, quân đội, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm chậm trễ việc quân hay sợ giặc. Những văn bản này cho chúng ta thêm căn cứ để đưa ra nhận định khách quan, toàn diện hơn về nhân vật lịch sử này. Các văn bản cũng cho thấy hoàng đế triều Nguyễn đặc biệt quan tâm việc giữ yên bờ cõi, coi việc dẹp giặc bảo vệ lãnh thổ là một yêu cầu cấp bách.
Lễ phục mạng (tức lễ báo công) trước sân điện Cần Chánh. (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I sưu tầm)
Bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Những ngày cuối năm Âm lịch là dịp thích hợp để chúng ta cùng nhìn lại những việc đã làm để khép lại năm cũ và chào đón năm mới với nhiều hứa hẹn. Trong đó có việc nhìn lại những điểm tích cực và hạn chế của năm đã qua. Trên tinh thần “ôn cố tri tân”, đây cũng là dịp thích hợp để chúng ta cùng ngược dòng thời gian, xem lại quan điểm của ông cha ta đối với việc thưởng phạt như thế nào, cách làm có gì đặc biệt và để lại những giá trị gì cho lịch sử, cho cuộc sống đương đại”.
Ôn cố tri tân, khám phá những câu chuyện thưởng phạt dưới triều Nguyễn để thấy rằng, hệ thống Châu bản triều Nguyễn là những kho tàng dữ liệu lịch sử vô cùng quý giá và phong phú, cần được khai thác nhiều hơn nữa. Những triển lãm, những câu chuyện như thế này cũng là những cánh cửa rộng mở để công chúng bước vào thế giới của lịch sử, tìm hiểu và thêm yêu mến lịch sử dân tộc.
Theo TUYẾT LOAN (Nhân dân)
(Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cung cấp)