Động viên, giúp đỡ gia đình có người vi phạm pháp luật
Công an tỉnh cho biết, đến ngày 14/6/2023, toàn tỉnh có 491 người sử dụng trái phép chất ma túy (có hồ sơ quản lý). Tình hình tội phạm, tệ nạn về ma túy ngày càng diễn biến phức tạp, có xu hướng lan rộng ở nhiều địa bàn, từ thành thị đến nông thôn; số người sử dụng trái phép chất ma túy tăng; người sử dụng dần trở thành người nghiện, người ngáo đá. Đáng chú ý, thời gian gần đây gia tăng tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy, tụ tập thành nhóm, đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp, cướp giật tài sản… tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nhiều loại tội phạm hình sự khác.
Bên cạnh đó, việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy tại địa bàn cơ sở là hoạt động rất cần thiết, đảm bảo công tác rà soát, xác định người sử dụng trái phép chất ma túy, đưa vào diện quản lý và thành lập “Tổ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy” nhằm theo dõi, quản lý thường xuyên, liên tục, không để họ tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác, góp phần giảm “cầu”. Tuy nhiên, “Tổ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy” có nhiều thành phần không thuộc đối tượng được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nên kinh phí hỗ trợ đối với thành phần này chưa được bố trí.
Hiện nay, ở cấp xã, không thành lập “Tổ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy”. Tuy nhiên, khi phát hiện người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn, công an cấp xã tham mưu chủ tịch UBND cùng cấp ban hành quyết định “áp dụng biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy”, theo Nghị định 105/2021/NĐ-CP. Đồng thời, phân công “Tổ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy”, do cán bộ công an cấp xã làm tổ trưởng; đại diện tổ dân phố làm tổ phó; đại diện gia đình của người sử dụng trái phép chất ma túy hoặc người uy tín trong dòng họ, đại diện tổ chức chính trị - xã hội (căn cứ vào nhân thân của người sử dụng trái phép chất ma túy) và nhân viên công tác xã hội (nếu có) làm tổ viên; phân công 1 thành viên tổ quản lý trực tiếp thực hiện các nội dung tư vấn, động viên, giúp đỡ người sử dụng trái phép chất ma túy.
Thực tế, cán bộ tham gia tổ công tác này chưa phát huy hiệu quả, chưa phát huy hết trách nhiệm của những người được phân công làm nhiệm vụ. Chế độ chính sách gần như không có, dễ gây tâm lý “làm qua loa, đại khái” đối với các thành viên tổ. Hầu hết giao cho lực lượng công an cấp xã trực tiếp quản lý, giáo dục và định kỳ test người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định. Tâm lý của người sử dụng ma túy rất e dè, luôn tìm cách trốn tránh lực lượng chuyên trách, đặc biệt là công an xã, phường, thị trấn; gia đình của người vi phạm không hợp tác (hoặc không có khả năng) để quản lý thành viên trong gia đình.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, để tạo nguồn kinh phí thực hiện công tác này, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy tại địa phương, góp phần kiềm chế tội phạm, tệ nạn về ma túy, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh trình HĐND dự thảo nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được phân công trực tiếp giúp đỡ người đang trong thời hạn quản lý do sử dụng trái phép chất ma túy. Đối tượng được hỗ trợ gồm: Trưởng hoặc phó khóm, ấp; đại diện các tổ chức chính trị - xã hội (công đoàn, phó chủ tịch hội nông dân, phó bí thư đoàn thanh niên, phó chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ, phó chủ tịch hội cựu chiến binh cấp xã; chi hội trưởng nông dân, bí thư chi đoàn thanh niên, chi hội trưởng phụ nữ, chi hội trưởng cựu chiến binh khóm, ấp). Mức hỗ trợ là 25% mức lương cơ sở cho mỗi người (tương ứng 450.000 đồng/tháng/người).
Trưởng ban Nhân dân khóm 4 (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) Nguyễn Kiện Toàn chia sẻ: “Trước nay, tôi cùng công an phường tham gia hỗ trợ, giáo dục, quản lý nhiều đối tượng nghiện ma túy. Công việc khá đặc thù, cần thực hiện thường xuyên, nhưng không được hưởng chế độ, chính sách gì. Dù vậy, với vai trò, trách nhiệm được giao, tôi vẫn nỗ lực tham gia, góp phần làm trong sạch địa bàn, đẩy lùi tệ nạn ma túy. Nhưng khi được hỗ trợ kinh phí, chúng tôi có thêm động lực vật chất lẫn tinh thần để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn”.
HĐND tỉnh vừa xem xét thông qua nghị quyết quy định mức kinh phí hỗ trợ người được phân công giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn (360.000 đồng/tháng/người). Từ đó, tạo điều kiện và động lực cho người được phân công trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này. |
AN KHANG