“Tín dụng đen”- vấn nạn nhức nhối

24/11/2022 - 07:19

 - “Tín dụng đen” là giải pháp của nhiều người khi lâm vào cảnh khó khăn, thắt ngặt, nhưng cũng là “cái bẫy” đưa họ vào con đường bị siết nợ, thậm chí bị “khủng bố” do không trả nổi nợ vì lãi nặng.

Tọa đàm về ngăn chặn "tín dụng đen"

Lợi dụng khó khăn về tài chính của người lao động, sinh viên, người hám lợi, qua điện thoại, mạng xã hội, "tín dụng đen" len lỏi vào đời sống cộng đồng bằng nhiều cách, với thủ đoạn tinh vi. Từ dịch vụ hỗ trợ tài chính, cầm đồ, cho vay trả góp, cho vay không cần thế chấp, không lãi suất, giải ngân nhanh chóng… đối tượng cho vay quảng cáo ở nhiều nơi và công khai dụ con mồi vào “cái bẫy” giăng sẵn.

Khi vay, các đối tượng bắt người vay đồng ý với "thỏa thuận miệng”, “thỏa thuận bảo mật", cho phép thu thập thông tin cá nhân (như: hình ảnh, nơi ở, nơi làm việc, liên lạc khẩn cấp, địa chỉ gửi thư của người vay và của người thân quen) để tiện thu nợ. Về sau, người vay phải "còng lưng" lao động trả nợ;  nếu chậm trễ trả nợ thì sẽ bị khủng bố tinh thần, thậm chí bị đe dọa đến tính mạng. 

Chị  P.T.T. (ngụ ấp Trung Bình Tiến, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn) cần gấp 40 triệu đồng chữa bệnh cho người thân. Không tiếp cận được khoản vay từ ngân hàng, chị đành vay “thỏa thuận miệng” với hình thức trả góp của “tín dụng đen”.

Sau vài lần chậm trả, các đối tượng cho vay đến tận nhà đe dọa; gọi điện yêu cầu người thân đốc thúc chị T. hoàn trả gốc và lãi theo “thỏa thuận” đã ký, nếu không sẽ xử lý theo quy định. Tương tự, do trả chậm nhiều lần, còn kỳ kèo lãi suất cao, định ngừng trả lãi cho món nợ 50 triệu đồng, ông L.V.S. (phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc) bị các đối tượng “tiếp cận” nơi làm việc. Ông nhiều lần bị quấy nhiễu, đe dọa, nhắn tin “khủng bố” tinh thần, khiến cuộc sống đảo lộn…

Sở Tư pháp vừa chủ trì buổi tọa đàm, có sự tham gia của Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang... Các cơ quan chức năng khẳng định, “tín dụng đen” là vấn đề nhức nhối của xã hội. Mặc dù các cấp, ngành thường khuyến cáo, tuyên truyền phòng chống, nhiều đối tượng vi phạm bị cơ quan pháp luật trừng trị… nhưng “tín dụng đen” vẫn diễn biến tinh vi và nguy hiểm hơn.

Lãnh đạo Công an tỉnh cho biết, ngành đã tổ chức 403 buổi tuyên truyền, với 20.319 người tham gia; đẩy mạnh công tác phòng ngừa và phát 2.109 tờ rơi kêu gọi tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội cùng các hành vi vi phạm khác. 10 tháng của năm 2022, ngành xử lý 56 vụ, 74 đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”, xử lý hình sự 6 đối tượng “cho vay nặng lãi”, xử lý hành chính 33 vụ, 42 đối tượng. Dự báo, hoạt động liên quan đến “tín dụng đen” còn tiềm ẩn phức tạp, thủ đoạn tinh vi, nghiêm trọng hơn, phải tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, không được lơ là.

Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh thông tin, vi phạm của đối tượng “tín dụng đen” ngày càng nguy hiểm. Các đối tượng tận dụng mạng xã hội, dùng các App cho vay len lỏi nơi kín đáo, không lập hợp đồng vay, giao dịch hoặc giao dịch qua trung gian, khiến công tác xác minh, điều tra gặp rất nhiều khó khăn. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho biết, 10 tháng của năm 2022 đã thụ lý, kiểm tra 18 tin về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và khởi tố 15 vụ. Cơ quan chức năng điều tra 15 vụ, 26 bị can; đề nghị truy tố 4 vụ, 7 bị can, còn lại đang tiếp tục điều tra. Ngành tòa án thụ lý 10 vụ, 18 bị can, xét xử 3 vụ, 5 bị can, còn lại sẽ tiếp tục xử lý.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang, để bảo vệ người lao động, ngành đã tuyên truyền, triển khai nhiều hình thức ngăn chặn “tín dụng đen”. Ngày 11/4/2022, Tổ chức tài chính vi mô - chi nhánh Long Xuyên (CEP) được thành lập, giải ngân cho 2.715 lao động, số tiền 76,5 tỷ đồng.

Đồng thời, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, như: xây dựng “Mái nhà CEP”, tặng học bổng CEP và nhiều suất quà khác hỗ trợ, giúp đỡ cho công nhân, lao động. Mỗi năm, công đoàn phối hợp ngành công an tổ chức trên 20 cuộc tuyên truyền ngăn chặn “tín dụng đen” trong doanh nghiệp, tổ tự quản nhà trọ, với hơn 3.000 người tham gia.

Đồng thời, đẩy mạnh kênh thông tin truyên truyền của tổ chức công đoàn. Đối với hệ thống ngân hàng, khi người lao động có nhu cầu, ngành đáp ứng cho vay lãi suất thấp. Nhưng nhiều người vẫn khó tiếp cận, do thủ tục ngân hàng cần phải chặt chẽ, bảo đảm quy định. Trong khi thủ tục vay “tín dụng đen” nhanh, gọn, không cần hợp đồng, thế chấp, thao tác đơn giản, thậm chí giao dịch qua điện thoại là nhận tiền...

 Buổi tọa đàm đưa ra các giải pháp phòng, chống “tín dụng đen”, trong đó tập trung 3 mũi “tấn công”. Cụ thể, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân về cho vay tài sản trong các giao dịch dân sự. Các cơ quan truyền thông tiếp tục tuyên truyền nhiều hơn nữa về những phương thức, thủ đoạn của cá nhân, tổ chức cho vay nặng lãi; lừa đảo thông qua các hoạt động huy động vốn tự phát; hành vi đòi nợ trái pháp luật và các dịch vụ không rõ ràng… để người dân cảnh giác, báo tin đến cơ quan chức năng. Đặc biệt, trong công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm “tín dụng đen”, tăng cường các biện pháp hiệu quả ở địa bàn và trên không gian mạng.

N.R