Chiều tà, nắng tắt dần, nhưng nhiều nơi trên cánh đồng Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) vẫn rộn rã tiếng cười đùa của bọn trẻ. Tranh thủ chút gió trời còn sót lại, cánh diều là đà ở độ cao vừa phải, níu giữ thêm một ít niềm vui cuối tuần.
Trẻ con nông thôn giờ bận rộn hơn thế hệ trước rất nhiều. Chương trình học chiếm hết thời gian, chỉ có cuối tuần mới được nghỉ xả hơi. Bởi vậy, chiều cuối tuần, các em hớn hở xách diều ra đồng gần nhà, cùng đám bạn tụ họp.
Đôi bạn Nguyễn Thị Hạnh và Tăng Thị Kim Quyên giờ mỗi người học một nơi, nhưng vẫn hẹn gặp nhau trên cánh đồng quê nhà. Giây phút ấy, hai em như trở về tuổi thơ vô lo vô nghĩ ngày trước, cảm nhận được niềm vui xưa cũ.
Hầu như ít đứa trẻ nào tự làm diều như thế hệ trước. Diều được sản xuất số lượng lớn, mẫu mã đa dạng, màu sắc tươi sáng, lại bền chắc hơn diều giấy tự làm.
Điều duy nhất không thay đổi là cấu tạo của con diều luôn giản đơn, để những đứa trẻ có thể tự mình sửa chữa, nối dây… mỗi khi gặp sự cố.
Cánh diều mỏng manh, nhưng chở nặng niềm vui cho con trẻ ở nông thôn. Chúng tôi bắt gặp rất nhiều nụ cười tươi tắn trong ánh trời chiều.
Niềm vui ấy đến từ giây phút đưa diều lên thật cao, khi tự mình điều khiển cánh diều no gió, khi diều mệt nhoài buông mình xuống đất, kết thúc một ngày.
Sự (9 tuổi) đưa em gái tên Bơ trở về nhà, sau buổi chiều nắng gió, nhễ nhại mồ hôi cùng cánh diều. Bơ còn nhỏ lắm, chưa biết thả diều, nhưng biết cảm nhận được không gian thoáng đãng của đồng ruộng, biết lăng xăng theo chân anh nhìn diều đủ màu sắc trên trời.
Một cánh diều nán lại cùng hoàng hôn, trước khi đáp xuống đất cùng bọn trẻ về nhà. Giây phút ấy, chợt nghe thấm thía hơn bao giờ hết câu hát “Quê hương là con diều biếc/Tuổi thơ con thả trên đồng”…
KHÁNH ĐĂNG