“Vá” lỗ hổng tư pháp

21/08/2023 - 06:55

 - Có thể khẳng định, công tác tư pháp của Việt Nam đạt những kết quả thiết thực, đóng góp lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn hạn chế, vướng mắc, đòi hỏi tháo gỡ nhanh, hiệu quả hơn, để đáp ứng tốt mong mỏi của Đảng, Quốc hội, cử tri cả nước. Trong đó, cần loại bỏ tư duy lợi ích nhóm, tiêu cực của đội ngũ người làm luật.

Đó là một trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặc biệt quan tâm trong phiên chất vấn lĩnh vực tư pháp, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức. ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) đặt vấn đề: “Quá trình tổ chức thi hành văn bản dưới luật cho thấy, một số nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quy định chi tiết, nhưng lại… mở rộng hơn so với phạm vi được giao.

Một số nội dung không thông qua được ở Quốc hội, thì sẽ thiết kế theo hướng giao Chính phủ, bộ, ngành để dễ thông qua, dễ mở rộng thêm nội dung theo ý của cơ quan soạn thảo. Đây có thể coi là dấu hiệu của lợi ích nhóm, tiêu cực trong xây dựng, ban hành chính sách không?”.

ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hiện nay còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Cùng với đó, việc giao các bộ, ngành tự chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm thuộc phạm vi quản lý của mình dễ dẫn đến lợi ích riêng, cục bộ và chất lượng văn bản có thể chưa cao.

Tích cực đóng góp dự thảo luật trước khi Quốc hội thông qua

Cùng băn khoăn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương chất vấn: “Quyết tâm xuyên suốt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ là hạn chế lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ được cài cắm vào văn bản pháp luật, bởi đó cũng là một dạng tham nhũng. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết thêm về chế tài, giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát, chấn chỉnh đối với vấn đề này?”.

Một câu hỏi khác ĐBQH Trần Thị Thanh Hương đặt ra, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/8 là thời hạn Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp kết quả rà soát của các bộ, ngành, địa phương, đề xuất sửa đổi quy định bất cập đối với luật hiện hành. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá sơ bộ số lượng, nội dung và tính khả thi trong việc tháo gỡ vấn đề bất cập đặt ra qua rà soát, nhằm khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho sản xuất - kinh doanh và đời sống của người dân thuận lợi hơn.

Trả lời chất vấn của ĐBQH tỉnh An Giang về chế tài đối với tham nhũng, tiêu cực, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, cần thực hiện nghiêm quy định về công chức, công vụ, cụ thể hóa yếu tố để xem xét, xử lý kỷ luật. Cần xem xét yếu tố cấu thành, có liên quan đến việc chậm, hoặc thực hiện không đúng các quy định, chức trách công vụ của từng người.

“Ngoài những yếu tố chế tài như ảnh hưởng đến uy tín, không bầu, không đề xuất vào vị trí cao hơn… cần nhấn mạnh hơn nữa kỷ luật công chức, công vụ, công bố đầy đủ thông tin về khiển trách, cảnh cáo, thậm chí cho thôi chức vụ. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã và đang có những hướng xử lý. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng” - ông Lê Thành Long nhìn nhận.

Theo Bộ Tư pháp, hiện nay, thông qua điều tra, truy tố, xét xử, kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, đã có những phân tích về vi phạm, “chừng mực nào đó là lợi ích nhóm” trong một số vụ việc cụ thể. Những sai phạm này có thể xử lý hình sự, nếu đầy đủ yếu tố cấu thành.

Quy định 69-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm (sắp tới là quy định của Bộ Chính trị về một số giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng văn bản) sẽ có tác dụng tích cực trong vấn đề này.

Về giải pháp, ông Long cho biết, Bộ Tư pháp cùng các cơ quan liên quan đang nỗ lực khắc phục vướng mắc đã được chỉ ra. Chính phủ đã ban hành nghị quyết về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Trong đó, Bộ Tư pháp trình một số giải pháp, nghị định quy định chi tiết và bảo đảm tính kỷ luật hành chính trong soạn thảo, ban hành văn bản và trách nhiệm tổ chức thi hành. “Tin tưởng rằng, các quy định này sẽ đề cao trách nhiệm ban hành văn bản, chủ động ban hành một cách kỹ lưỡng để tránh ảnh hưởng đến toàn xã hội. Ngoài ra, về lâu dài, cố gắng quy định vào trong luật những vấn đề về tài chính, ngân sách, phân bổ kinh phí…” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long bày tỏ.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phiên chất vấn là dịp nhìn nhận, đánh giá chính xác hạn chế, vướng mắc, đề ra giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng công tác lập pháp. Đồng thời, nâng cao chất lượng giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; bảo đảm sự ổn định, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế phát triển, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

 

GIA KHÁNH