“Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”

11/03/2022 - 06:08

Trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định luận điểm: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Luận điểm trên phải trở thành nhận thức, chủ trương, chính sách, hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và mỗi người nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã diễn đạt một cách dễ hiểu: “Nghĩa hẹp thì văn hóa là những hoạt động tinh thần của một xã hội”, “văn hóa cũng bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể”, “…Văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa...)”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng

Đảng ta đã xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

Phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội là bởi văn hóa không chỉ là nhân tố nội sinh thúc đẩy con người Việt Nam phát triển, hoàn thiện nhân cách mà còn là mục tiêu, động lực thúc đẩy việc tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, kiềm chế, đẩy lùi lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển bền vững đất nước; trở thành nền tảng tinh thần của xã hội.

Để văn hóa thực sự đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, Tổng Bí thư chỉ rõ: Trước hết, cần tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước trên lĩnh vực văn hóa để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Thứ hai là xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới; sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tùy tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa ở cả Trung ương và địa phương. Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Đặc biệt chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học - nghệ thuật. Đội ngũ này có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp văn hóa nói riêng và sự nghiệp cách mạng nói chung.

Thứ ba là quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới.

Thứ tư là chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần "Tương thân tương ái", đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội. Xây dựng các quy tắc ứng xử văn minh trong các cơ quan công quyền, trong cộng đồng, nhất là trong không gian mạng, trong giới văn nghệ sĩ…

Đặt văn hóa ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội không chỉ đáp ứng nhu cầu tinh thần, bồi dưỡng đời sống tâm hồn, tình cảm, trí tuệ ngày càng cao của con người, xã hội, khắc phục tình trạng “văn hóa phát triển chưa tương xứng”, chưa đủ sức tạo ra “cú hích đủ mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng con người và môi trường văn hóa XHCN lành mạnh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, quan liêu, lãng phí, các tệ nạn và tiêu cực xã hội”, mà còn là nguồn vốn, nguồn lực trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bản chất của việc xác định văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội là phải nhận thức và hành xử đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò, giá trị và ý nghĩa vô cùng to lớn của văn hóa đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Việc đề ra và thực hiện chiến lược con người và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh… trong tình hình mới phải hàm chứa yếu tố văn hóa, thể hiện ở việc xây dựng, phát triển văn hóa đồng bộ, ngang tầm, khả thi.

Luận điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, “phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa mang tính khoa học, vừa mang tính thực tiễn sâu sắc, là sự gắn kết giữa các lĩnh vực trong chiến lược phát triển nhanh, bền vững đất nước. Từ đó, đã bổ sung, phát triển, nâng cao lý luận và cách hành xử cụ thể về xây dựng và phát triển văn hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, để đất nước phát triển nhanh, bền vững.

T.T