“Về dùng bữa cơm đạm bạc với gia đình tôi, các liệt sĩ ơi!”

30/07/2021 - 06:56

 - Ngày 27-7 năm ngoái, bên mâm cúng giỗ liệt sĩ ở nhà Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Trí (tên thường gọi là Hai Trí, sinh năm 1949, ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), đồng đội hứa tiếp tục tề tựu đông đủ vào năm nay. Nhưng rồi, họ đành thất hứa bởi dịch COVID-19. Mâm cúng vẫn được tổ chức như thường lệ. Người ở xa, chứ nghĩa vẫn đong đầy…

Nhấp ngụm trà ngọt, ông Hai Trí đưa mắt nhìn ra quán giải khát trước cửa nhà. Thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg, rồi Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quán đóng cửa đã mấy tuần. Bản thân ông gần 2 tháng nay “không bước ra khỏi cây cột điện trước cửa nhà” - theo cách nói ví von của ông. Trong khi đó, nếu không có dịch bệnh COVID-19, những ngày này, vị đại tá về hưu rất bận rộn, với bao nhiêu việc cần phải làm: họp mặt ngày Thương binh - Liệt sĩ, dự lễ cải táng hài cốt liệt sĩ, đến nghĩa trang viếng đồng đội đã hy sinh… Quan trọng nhất là tổ chức đám giỗ cho các anh hùng, liệt sĩ. Hoạt động này được ông duy trì gần 20 năm nay, chưa gián đoạn năm nào. Ông sợ người đã khuất xót xa, lạnh lẽo, sợ người còn sống vội quên người đã hy sinh, nên dù thế nào vẫn muốn duy trì lễ nghĩa ấy.

“Cứ mỗi lần tổ chức đám giỗ, đồng đội tôi cùng tụ họp về, dù đang ở TP. Hồ Chí Minh hay những địa phương lân cận trong tỉnh, dù tuổi cao sức yếu, dù hoàn cảnh khá giả hay túng thiếu. Mấy hôm nay, họ điện thoại hỏi thăm suốt: định tổ chức sao? Tôi bảo, địa phương không cho phép tập trung đông người. Thôi thì tôi ở đây nấu mâm cơm nhỏ để cúng, chỉ có vài người trong nhà với nhau. Nhưng cúng nhỏ hay lớn, ít hay nhiều cũng chủ yếu ở tấm lòng. Mình là cựu chiến binh, phải nghiêm túc thực hiện quy định, làm gương cho bà con chòm xóm. Còn đồng đội xa gần, nếu có lòng thì mạnh ai nấy cúng, hẹn hết dịch sẽ gặp lại” - ông Hai Trí chia sẻ.

Mâm cúng giỗ do ông Hai Trí tổ chức tại nhà, gói trọn tình chung lẫn nỗi niềm riêng. Tình chung, ông tưởng niệm công ơn tất cả anh hùng liệt sĩ trên mọi miền Tổ quốc đã ngã xuống cho đất nước có ngày độc lập hôm nay. Với ông - một người lính từng trải qua bao nhiêu mưa bom lửa đạn, vẫn may mắn sống sót lành lặn đến hòa bình - công ơn đó không bao giờ có thể trả được. Rất nhiều liệt sĩ khi sống có tên, khi thác nằm quạnh quẽ chưa tìm được hài cốt, hoặc chẳng có thân nhân nào còn sống để cúng giỗ. Nén nhang của ông, dẫu rằng xa xôi, bé nhỏ, nhưng hy vọng sẽ làm anh linh người đã khuất thêm ấm áp.

Vợ chồng ông Hai Trí tổ chức mâm cúng các anh hùng liệt sĩ

Về nỗi niềm riêng, bên mâm giỗ, ông nhói lòng tưởng nhớ đồng đội cùng chiến đấu với mình. Họ mới trò chuyện với nhau, chớp mắt sau một trận đánh, trận càn, bỗng hóa thành sinh ly tử biệt. Biết chiến tranh khốc liệt, họ ước định với nhau bằng câu nói đùa: “Sau này, đứa nào còn sống thì cúng giỗ cho đứa đã mất nhé!”. Lời đùa, mà như lời trăn trối, day dứt tâm can ông. Vậy là đám giỗ tập thể được ông thực hiện bằng tất cả tấm lòng.

Trong đám giỗ ấy, ông dành phần thương yêu cho một liệt sĩ rất đặc biệt. Người ấy không phải con nuôi của ông, nhưng mang họ ông. Năm 1972, ông đang là Trung đội trưởng (Đại đội 1, Tiểu đoàn 512), đơn vị đóng quân ở Lò Gò, tỉnh Takeo (Campuchia). Có một người đàn ông và một người phụ nữ tìm gặp đơn vị, mang theo đứa bé khoảng 12 tuổi, xin gửi nuôi dùm thời gian chiến tranh loạn lạc này. Đại đội cho phép, ông đứng ra nhận. Họ nói ít lời cảm ơn, rồi ra về. Cuộc gặp chưa đầy 30 phút, nhưng lại cám cảnh ông suốt cả đời. Họ giới thiệu là cha mẹ, nhưng có vẻ như là dì dượng của đứa bé hơn. Sau này, có người khẳng định, đứa bé là trẻ mồ côi, 2 người ấy chỉ là hàng xóm. Cậu bé tên Tum, nhưng không biết tên cha mẹ, sống với đơn vị mấy năm không hề nhắc một chữ về gia đình mình và cũng chẳng có bất kỳ ai đến tìm.

Hai ngày sau, cậu bé được may đồ mới, được dạy học, được chăm sóc như con cháu trong nhà. Trước mắt, ông Hai Trí là người trực tiếp nhận cậu bé, nên cậu được mang họ của ông, được ghi vào lý lịch: Huỳnh Văn Tum. Ông định bụng, sau này tìm được người nhà, sẽ trả lại họ tên vốn có cho cậu. Nhưng, Tum hy sinh trong một trận đánh ngày 24-4-1975, khi còn 6 ngày nữa là hòa bình. Ông Hai Trí lặn lội đi tìm hài cốt của Tum đem về cải táng. Hài cốt thì tìm được, mà người thân của Tum thì không rõ tung tích.

“Tôi đã hoàn thành hồ sơ công nhận Tum là liệt sĩ. Mỗi năm, ngày 24-4, vợ chồng tôi làm mâm cơm nhỏ cúng giỗ riêng cho nó. Đến ngày 27-7, lại cúng chung với tất cả liệt sĩ khác. Tôi nhớ, mỗi lần tôi đi xa vài ngày trở về, nó ôm tôi “nèo nẹo”, mặc kệ bị chọc ghẹo. Nó xem tôi như cha, tôi đối đãi với nó như con, đau đáu đi tìm người thân dùm nó mấy mươi năm, đến nay vẫn bặt tin, dù đã cung cấp thông tin khắp nơi” - ông Hai Trí thở dài.

Đến giờ cúng nên ông buông câu chuyện, tất bật bày mâm, thắp hương, khấn vái. Mâm cúng gọn nhẹ với món bánh xèo, thịt gà xào, cơm trắng. Người lính già lặng lẽ cắm nhang bằng đôi bàn tay già nua, cằn cỗi - bởi gần cả đời cầm súng, rồi cầm leng, cuốc đi tìm hài cốt đồng đội ở mọi chiến trường. Trong câu khấn, ông nghẹn ngào: “Về dùng bữa cơm đạm bạc với gia đình tôi, các liệt sĩ ơi!”.

GIA KHÁNH