Ông Nguyễn Văn Điền, ngư dân sống tại ấp Phước Thọ (thị trấn Đa Phước, huyện An Phú) kể rằng, gia đình ông làm nghề này từ năm 1978. Hơn 46 năm kinh nghiệm, ông chứng kiến nhiều thay đổi trong cách làm nghề qua từng giai đoạn. Ông nhớ lại: “Ngày trước việc nuôi cá chủ yếu dựa vào sức người. Mọi thứ từ nấu thức ăn đến theo dõi sức khỏe cá đều rất vất vả. Ngày nay, công việc đã giảm đi phần nào nặng nhọc, như việc cho cá ăn, quạt nước cung cấp oxy cho cá đều có máy móc hỗ trợ”.
Dù đã áp dụng nhiều cải tiến, nghề nuôi cá vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Môi trường nước ngày càng bị ô nhiễm, dòng chảy yếu và thời tiết thất thường khiến cá dễ mắc bệnh. “Mùa gió bấc là thời điểm khó khăn nhất. Dòng nước không ổn định, cá bỏ ăn, dẫn đến việc nuôi cá bị ảnh hưởng nặng nề. Chưa kể giá cả thị trường thường xuyên biến động, khiến người nuôi không khỏi lo lắng” - ông Điền chia sẻ thêm.
Bên cạnh những thách thức, nghề nuôi cá cũng mang lại cho người dân sự thoải mái trong sinh hoạt. Ông Điền kể, cuộc sống trên nhà bè mát mẻ hơn, nhờ hơi nước và gió từ dòng sông. Người dân tại đây thường xuyên giao lưu, hỗ trợ nhau trong công việc, tạo nên sự gắn kết giữa các gia đình.
Du khách thích thú khi được ngắm nhìn những chiếc nhà bè nhiều màu sắc và tìm hiểu về cuộc sống nơi đây
Đồng quan điểm với ông Điền, ông Lương Văn Giảo, một ngư dân có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi cá cho rằng, nghề này tuy không đòi hỏi công nghệ phức tạp, nhưng lại cần sự tỉ mỉ trong cách chăm sóc cá. Ông Giảo hiện sử dụng thức ăn tự trộn từ cám lau từ nhà máy và cá cơm biển, đánh cho dẻo, sau đó cho cá ăn để đảm bảo dinh dưỡng. “Khác với hồi xưa, ông bà tôi toàn nấu thức ăn cho cá, bây giờ không ai nấu nữa, vì củi lửa bất tiện và mất nhiều thời gian”. Tuy vậy, nguồn nước cạn kiệt và ô nhiễm đã khiến tỷ lệ cá mắc bệnh tăng cao, nhất là các bệnh xuất huyết đường ruột, bọ mang. “Ngày nào tôi cũng phải “dập thuốc” để giữ cho cá khỏe” - ông bộc bạch. Ngoài nuôi cá, ông Giảo còn tranh thủ chạy đò thêm cho khách để tăng thu nhập.
Dù có nhiều khó khăn, người dân làng bè vẫn luôn hy vọng vào tương lai. Gần đây, nhiều hộ đã mở rộng quy mô bè cá, nuôi thêm các loài cá như cá chim - một loại cá dễ nuôi, giá cả ổn định, ngư dân kiếm sống được.
Bên cạnh việc nuôi cá, diện mạo của làng bè trong những năm gần đây cũng được cải thiện đáng kể. Những ngôi nhà bè được sơn sửa với các gam màu tươi sáng, như: Đỏ, vàng, xanh lam hay tím, làm cho cả khu vực trở nên rực rỡ hơn. Sự thay đổi này tạo nên vẻ đẹp mới mẻ, giúp làng bè trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Nhiều người khi đến đây đều thích thú trước những căn nhà bè rực rỡ trên mặt nước, tạo nên khung cảnh vừa bình dị vừa độc đáo. Ông Phạm Văn Mí, đại diện Tổ Thủy sản huyện An Phú, quản lý địa bàn thị trấn Đa Phước cho biết, tỉnh đang có kế hoạch sắp xếp lại các bè cá để vừa đảm bảo giao thông đường thủy, vừa tạo không gian tham quan và mua sắm cho du khách.
Chính quyền còn tổ chức các lớp tập huấn, khuyến khích người dân ứng dụng công nghệ vào việc nuôi cá. Những loại cá có giá trị kinh tế cao được ưu tiên phát triển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Điều này vừa giúp bà con cải thiện đầu vào, vừa tạo nền tảng để làng bè phát triển bền vững hơn.
Những chiếc bè gỗ đơn sơ nằm cạnh nhau, cùng nụ cười mộc mạc của ngư dân tạo nên một bức tranh ấm áp về cuộc sống vùng sông nước. Với sự hỗ trợ từ chính quyền và ý chí vươn lên của người dân, làng bè đang trên đà thay đổi, hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển và là điểm đến thú vị cho du khách gần xa.
BÍCH GIANG