“Vườn rau của bé”

17/05/2022 - 08:44

 - Đây là mô hình được triển khai khá hiệu quả ở trường mầm non trên địa bàn TP. Long Xuyên. Mô hình không chỉ giúp trẻ nhận biết thế giới thực vật đa dạng, mà còn giáo dục và rèn luyện kỹ năng cần thiết, cung cấp bài học hữu ích từ vườn rau nhỏ.

Trẻ nhỏ thích thú khi được chăm sóc “Vườn rau của bé”

Hào hứng giới thiệu “Vườn rau của bé”, cô Trần Thị Thanh Trúc (Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng, phường Mỹ Hòa) cho biết, không chỉ các bé yêu thích, mà cô giáo cũng mê màu xanh mượt của luống rau. “Nhà trường tận dụng không gian trống, sắp xếp, xây dựng góc riêng trồng rau. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, các bé được tham gia hoạt động chăm sóc vườn rau. Thời gian đầu, hầu hết các bé không tránh được bỡ ngỡ, tò mò, khi trực tiếp làm đất, gieo hạt, chăm sóc cây... Tuy nhiên, nhìn những luống rau xanh tươi - tự tay mình chăm sóc  - lớn lên từng ngày, các bé vô cùng thích thú” - cô Thanh Trúc cho biết. Chính hoạt động trải nghiệm đã giúp trẻ hiểu, ghi nhớ các bài học về giá trị của sức lao động từ khi còn nhỏ.

Thực vật được trồng rất đa dạng, thay đổi theo mùa, như: Mồng tơi, cải, rau muống, bầu, mướp, đậu rồng, đậu phộng... Việc xây dựng mô hình “Vườn rau của bé” không chỉ góp phần xây dựng môi trường sư phạm an toàn, thân thiện, cung cấp thêm nguồn thực phẩm sạch trong bữa ăn bán trú, mà còn giúp trẻ trải nghiệm trồng và chăm sóc các loại rau. “Từ ngày các bé trở lại trường đến nay, vườn rau đã thu hoạch được vài đợt. Số rau này, cô hướng dẫn bé bó lại, “bán” cho ba mẹ. Nhờ đó, các bé biết được giá trị của sức lao động, thêm yêu thành quả mình làm nên. Còn phụ huynh, họ rất vui khi nhìn thấy con mình được học điều thú vị, bổ ích từ “vườn rau”. Tiền bán rau dùng để mua hạt giống, dụng cụ chăm sóc vườn. Phụ huynh gửi rau lại để cô nấu cho các bé. Đa số trẻ nhỏ không ăn rau hoặc ăn rất ít. Nhưng khi được ăn rau do chính mình vun trồng, các bé thích lắm, ăn nhiều hơn” - cô Võ Thị Mỹ Duyên (dạy lớp chồi 1, Trường Mầm non Hoa Phượng) chia sẻ.

Tham quan mô hình “Vườn rau của bé” của Trường Mẫu giáo Hoàng Lan (phường Mỹ Hòa), tôi không thể rời mắt. Cô Trần Thị Mỹ Liên (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, tận dụng đất trống trong trường, ban giám hiệu bố trí khu vực trồng rau dài hơn 20m, ngang 1,5m. Thay vì phải học qua video, hình vẽ, các bé được học thực tế tại vườn, nhận biết hình dáng, mùi vị của từng loại rau, cách trồng và chăm sóc; nhận thức được lợi ích của việc trồng rau sạch đối với sức khỏe và môi trường xung quanh.

Đây còn là nơi để các cô cùng nhau làm việc, trò chuyện, xây đắp thêm tình đoàn kết và lòng yêu nghề, mến trẻ. “Khoe” cây đu đủ cao lớn, trái xum xuê trong vườn rau, cô Thái Thị Thanh Thúy (dạy lớp lá 1, Trường Mẫu giáo Hoàng Lan) cho biết: “Đu đủ là loại trái cây nhiều dưỡng chất, được chúng tôi trồng khắp vườn. Ngoài việc nấu canh, tăng chất lượng bữa ăn, đu đủ chín còn dùng làm món ăn xế ở trường. Các bé rất thích!”. “Vườn rau của bé” có đầy đủ rau, củ, quả, như: Cải ngọt, khoai lang, hành lá, rau ngót, cà tím, đậu rồng, xà lách xoong Nhật…

Nhìn nụ cười và sự hăng say của trẻ khi được tự mình tưới nước, làm cỏ, xới đất trên luống rau mình trồng, mới thấy được giá trị “vườn rau” mang lại. Bởi, đằng sau khu vườn nhỏ xinh xắn là bài học về sự biết ơn, trân trọng công sức lao động. “Vườn rau của bé” còn giúp trẻ làm quen với thế giới thực vật sinh động qua giờ học ngoài trời; trực tiếp trồng, chăm sóc rau, chứng kiến quá trình sinh trưởng phát triển của cây, tự tay thu hoạch và hưởng thụ thành quả lao động của mình. Với ý nghĩa đó, mô hình nhận được sự quan tâm đặc biệt của phụ huynh lẫn học sinh.  

PHƯƠNG LAN