Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cùng với lãnh đạo Tập đoàn Sao Mai phấn khởi trước vụ mì 2019 tại huyện Tịnh Biên
Câu chuyện khởi nghiệp trồng khảo nghiệm khoai mì KM140 do Sao Mai Group phát động vào đầu năm 2018 thông qua việc tài trợ Đề án “Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi”, trong đó rót vốn và bao tiêu sản phẩm khoai mì là mục đích của toàn bộ chương trình. Ở giai đoạn I, Sao Mai đã tài trợ gần nửa tỷ đồng không hoàn lại cho 9 hộ người dân tộc thiểu số Khmer tham gia trồng ứng dụng trên 17ha. Sau 9 tháng canh tác, cánh đồng mẫu lớn KM140 đã cho thương vụ “đậm quả” với năng suất thu hoạch đạt gần 40 tấn/ha, lợi nhuận 25 triệu đồng/ha. Hiệu quả kinh tế này là tiền đề rất quan trọng để nhiều nông dân người Khmer 2 xã An Cư và Văn Giáo (Tịnh Biên) nhiệt tình tham gia.
Thừa thắng xông lên, niên vụ khoai mì KM140 năm 2019 đã thu hút hơn 60 hộ tham gia liên kết trồng mì cho Sao Mai với diện tích gần 82ha. Hiện nay, nông dân đang bước vào thu hoạch trà đầu với năng suất cao ngất ngưỡng, lại được Tập đoàn Sao Mai hỗ trợ “trọn gói” nên lợi nhuận mang về từ 25-30 triệu đồng/ha. Dự kiến, toàn bộ diện tích khoai mì sẽ thu hoạch xong trước Tết Nguyên đán, mỗi nông dân kiếm lợi nhuận từ 25-30 triệu đồng/ha.
“Từ kết quả thành công của mô hình mì khảo nghiệm và vụ mì đại trà năm nay đã cho thấy, việc ứng dụng kỹ thuật canh tác mới, thay đổi giống mì mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng là lời giải cho bài toán chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, giảm nghèo. Sao Mai đã rất chuyên nghiệp trong việc đầu tư ở các lĩnh vực bất động sản, thủy sản, năng lượng tái tạo, kinh doanh du lịch, xuất khẩu lao động và hiện nay là nông sản. Chính nhờ vào Tâm - Thế của tập đoàn này sẽ giúp cho nông dân người Khmer có cuộc sống tốt hơn” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm chia sẻ.
Lãnh đạo Sao Mai cho biết: “Vừa tài trợ vốn - vừa bao tiêu là cách làm của Sao Mai. Đầu vào - đầu ra kết nối chặt chẽ, đồng điệu là 1 thành công lớn. Sao Mai bảo lãnh thị trường, nông dân cứ yên tâm sản xuất cho giỏi để khoai mì đạt năng suất cao”. Theo kế hoạch, diện tích trồng khoai mì sẽ được Sao Mai phổ biến nhân rộng lên hơn 300ha trong năm 2020, trải dài qua 9 xã, thị trấn: An Cư, Văn Giáo, Tân Lợi, An Phú, Thới Sơn, An Hảo, An Nông và thị trấn Nhà Bàng, thị trấn Tịnh Biên. Trong 2 năm tiếp theo, Sao Mai sẽ phát triển nhanh diện tích trồng mì sang cả Tri Tôn để tổng diện tích đạt đến 5.000ha. Nếu tính bình quân 2ha/hộ, thì với số diện tích trên sẽ có khoảng 2.500 hộ đổi đời và thu hút hàng ngàn lao động khác có việc làm từ mô hình liên kết khoai mì.
Thành công bước đầu cho thấy, chiến lược hình thành vùng nguyên liệu trù phú cho Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản (Sao Mai Super Feed có thị trường tiêu thụ rất tốt) đang có những bước tiến vững vàng. Tập đoàn Sao Mai đang đề nghị huyện Tịnh Biên nên thành lập các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác ở các xã, thị trấn nơi có diện tích trồng cây khoai mì để thuận lợi cho việc tập trung đầu mối quản lý, thu gom và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Tạo cú hích ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp
Cây khoai mì vốn không xa lạ với nông dân huyện Tịnh Biên khi hơn 10 năm trước đây được địa phương phát động trồng đại trà để cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy tinh bột mì Lương An Trà (Tri Tôn) hoạt động. Thế nhưng, sản phẩm của nhà máy này không có thị trường tiêu thụ, khiến nông dân mất phương hướng canh tác, không có niềm tin vào cây khoai mì. Và câu chuyện chuyển đổi cuộc sống dường như xa vời hơn của huyện miền núi; hiện nay, cũng vẫn là cây khoai mì được gieo trồng trên những thửa đất khô cằn ấy ở huyện Tịnh Biên lại có những đổi thay đến lạ kỳ khi Sao Mai “nhúng tay”.
Những cánh đồng mì chạy dài tít tắp đang vào giai đoạn thu hoạch nước rút, khiến nhiều người chợt nhớ lại câu chuyện của Sao Mai khởi xướng hình thành vùng nuôi liên kết cá tra thương phẩm. Cách nay hơn 1 thập niên, khi nhiều hộ nuôi ĐBSCL lao đao vì cung - cầu bấp bênh. Mối liên kết hợp tác giữa người nuôi cá và doanh nghiệp dường như chưa hề có tiếng nói chung. Vào cuộc ngay thời điểm khó khăn nhất, cách nghĩ - cách làm của tập đoàn như chiếc phao cứu sinh của nghề nuôi cá tra ở khu vực.
12 năm trôi qua, cho dù có những lúc thị trường xuất khẩu cá tra không hề suôn sẻ, nhưng mô hình hộ nuôi liên kết của Sao Mai vẫn được duy trì và phát triển theo thời gian. Hiện nay, có gần 100 hộ tham gia nuôi liên kết với tổng diện tích gần 300ha, cung cấp hơn 80% sản lượng cá tra nguyên liệu cho 3 nhà máy của Công ty IDI (thành viên của Sao Mai Group) hoạt động liên tục. Chủ động được nguồn nguyên liệu và cũng đồng nghĩa với việc IDI có lợi thế lớn trên thị trường xuất khẩu về giá cả và chất lượng.
Như vậy, sau con cá, khoai mì, sắp tới sẽ là lúa gạo cũng với cách làm khoa học, bài bản và chuyên nghiệp. Tập đoàn đang thực hiện chiến lược tạo vùng nguyên liệu cho những sản phẩm chủ lực của quốc gia. Đầu tư cho vùng đất khó có những dự án hợp lòng dân, từ thủy sản đến nông sản - lương thực, tất cả đều được bao tiêu theo thời giá. Thậm chí dưới cánh đồng điện mặt trời rộng hàng trăm ha ở chân núi Cấm, Sao Mai cũng tận dụng để canh tác nông nghiệp sạch.
Sao Mai đang tạo ra những cú hích “Biến đất nở hoa” làm giàu cho cộng đồng người Khmer ở vùng Bảy Núi nói riêng và nông dân của ĐBSCL nói chung qua những mô hình liên kết cung cấp nguyên liệu.
PHƯỚC LẬP