10 năm thi đua phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”

02/07/2020 - 07:55

 - Với lực lượng nữ đoàn viên 51.231/100.346 đoàn viên toàn tỉnh (tỷ lệ 51,05%) đang sinh hoạt ở hơn 1.500 công đoàn cơ sở là một lợi thế, Công đoàn tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ công nhân, viên chức, lao động.

Nữ cán bộ công đoàn luôn gần gũi, lắng nghe, gắn bó với cán bộ, đoàn viên

Các tiêu chí của phong trào đã trở thành động lực giúp mỗi nữ công nhân, viên chức, lao động phát huy được năng lực của bản thân, quyết tâm vượt khó khăn thử thách để đạt thành tích cao trong lao động sản xuất, công tác và thành công trong xây dựng gia đình hạnh phúc.

Ban Nữ công công đoàn các cấp tiếp tục phát động phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ công nhân, viên chức, lao động giai đoạn 2010 - 2015, giai đoạn 2016 - 2020… Đông đảo nữ đoàn viên đã đăng ký tham gia phấn đấu, gắn với phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, rèn luyện các phẩm chất đạo đức “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Các chị đã nỗ lực bằng những việc làm cụ thể như: tích cực rèn luyện, học tập nâng cao trình độ chuyên môn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt vai trò của người vợ, người mẹ, người con trong gia đình, xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Kết quả, hiện có 260.896 lượt nữ công nhân, viên chức, lao động đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tặng 6 cờ và 38 bằng khen, LĐLĐ tỉnh tặng 3 cờ và 88 bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào. Trong dịp tổng kết 10 năm thực hiện phong trào, tỉnh An Giang có 1 tập thể được tặng cờ của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ngoài ra, còn có 1 tập thể và 1 cá nhân được nhận bằng khen.

Phong trào đã phát huy sở trường, năng lực của nữ đoàn viên, thể hiện qua sự đóng góp tích cực trên các lĩnh vực: quản lý lãnh đạo; y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; giáo dục; sản xuất - kinh doanh; công tác Đảng, quản lý nhà nước, mặt trận, đoàn thể chính trị xã hội, nhất là trong đội ngũ cán bộ nữ công đoàn. Các chị luôn thể hiện tinh thần nhiệt tình với công việc, tích cực tham gia tổ chức sản xuất, cải tiến quản lý, đổi mới mẫu mã sản phẩm và tiếp thu nhanh khoa học - công nghệ hiện đại ứng dụng vào thực tiễn lao động, sản xuất mang lại hiệu quả cao. Cùng với phong trào thi đua “Giỏi việc nước”, nữ công nhân, viên chức, lao động còn tích cực gương mẫu thực hiện tốt “Đảm việc nhà”. Đây là một đức tính tốt đẹp trở thành truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Dù ở bất kỳ vị trí, địa vị nào, các chị đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, vừa là người vợ hiền, người mẹ mẫu mực, người con hiếu thảo chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ chồng cũng như cha mẹ đẻ.

Nhiều chị đã thực sự tạo được sự công bằng và bình đẳng ngay trong những công việc giản đơn thường nhật của gia đình như: phân công lao động hợp lý, tạo thói quen cho chồng con biết chia sẻ công việc, cùng có trách nhiệm trong việc chăm lo xây dựng, gìn giữ và bảo vệ hạnh phúc gia đình, nuôi dạy, chăm sóc con cái chăm ngoan, học giỏi thành đạt. Đồng thời, tuyên truyền người thân trong gia đình chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, chấp hành tốt quy định của khóm, ấp, khu dân cư. Hầu hết gia đình các chị đều được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, nhiều gia đình được khen thưởng “Gia đình văn hóa tiêu biểu”, “Gia đình hiếu học”.

Khẳng định thành quả trên mọi lĩnh vực, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã đi vào đời sống của nữ công nhân, viên chức, lao động, được các cấp công đoàn triển khai thực sự có hiệu quả. Phong trào đã trở thành nguồn động lực giúp chị em vượt qua nhiều khó khăn thử thách, phát huy tài năng, sáng tạo, đức tính cần cù chịu khó, truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, vai trò của nữ công nhân, viên chức, lao động ngày càng được khẳng định và nâng lên cả trong gia đình và ngoài xã hội.

MỸ HẠNH