Cụ thể, sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào hoàn tất thu hoạch lúa mùa và gieo trồng các loại cây màu vụ đông tại các địa phương phía Bắc. Tình hình chăn nuôi tiếp tục phát triển khá, tuy dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Ngành thủy sản gặp thuận lợi khi cá tra nguyên liệu duy trì được mức giá tốt, sản lượng nuôi trồng tôm nước lợ tăng khá do giá tôm thẻ chân trắng tăng mạnh phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu.
Trong khó khăn vì COVID-19, bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. (Ảnh: HNV)
Trong khi đó, trước tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt ở trong nước, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) được thực thi đã tạo thêm động lực cho các lĩnh vực của nền kinh tế phục hồi và phát triển hoạt động trong trạng thái bình thường mới, sản xuất công nghiệp tháng 11/2020 tiếp tục khởi sắc, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng cao 11,9% so với cùng kỳ 2019.
Theo thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2020 ước tính tăng 0,5% so với tháng 10 và tăng 9,2% so với cùng kỳ 2019, trong đó ngành khai khoáng giảm 6,2%; ngành chế biến, chế tạo tăng 11,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4%; ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải tăng 5,3%. Tính chung 11 tháng năm 2020, IIP ước tính tăng 3,1% so với cùng kỳ 2019.
Một điểm sáng khác đáng chú ý là tình hình đăng ký doanh nghiệp. Báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ rõ, thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội nên số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực. Số doanh nghiệp thành lập mới tháng 11/2020 tăng 7,3% so với tháng 10 và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2019; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 5,4% và tăng 59,8%. Đặc biệt, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong tháng tăng 72% so với tháng 10 và tăng 103,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 11 tháng năm 2020, cả nước có gần 124,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới tăng 21,7%.
Đặc biệt, các Bộ, ngành và địa phương đang tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình với mục tiêu thực hiện tối đa kế hoạch vốn được giao trong năm 2020. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11 ước tính đạt 10,6% so với kế hoạch năm 2020. So với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11 và 11 tháng năm nay tiếp tục đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.
Tích cực nghiên cứu, sáng tạo và giới thiệu ra thị trường nhiều hệ thống máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế. (Ảnh: HNV)
Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,4 tỷ USD, giảm 16,9% so với cùng kỳ 2019. Trong đó có 2.313 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 13,6 tỷ USD, giảm 33,5% về số dự án và giảm 7,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2019; có 1.051 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,3 tỷ USD, tăng 7,8%; có 5.812 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn đạt 6,5 tỷ USD, giảm 41,8%.
Trong khi đó, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 11 tháng năm 2020 có 114 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 316,4 triệu USD; có 30 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 174 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 11 tháng đạt 490,4 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ 2019.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng năm nay đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước tính đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ 2019, trong đó xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3%; nhập khẩu đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%. Trong tháng 11/2020, thương mại trong nước tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ 2019, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt mức tăng cao 13,2%. Vận tải tăng 2,3% về lượng hành khách vận chuyển và tăng 5,3% về lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng trước; khách quốc tế đến nước ta tăng 19,6% so với tháng trước nhưng giảm 99% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế...
Tác động to lớn của dịch bệnh COVID-19 cùng với thiên tai và hậu quả của biến đổi khí hậu vô cùng lớn vừa qua đã càng làm cho quá trình phát triển kinh tế, duy trì mục tiêu kinh tế của năm 2020 càng trở nên khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm và sự đồng lòng của toàn hệ thống chính trị cùng sự ủng hộ của người dân, tin tưởng chúng ta sẽ hạn chế thấp nhất những rủi ro dịch bệnh, thiên tai để thực hiện tốt mục tiêu kép vừa tăng trưởng kinh tế vừa phòng ngừa tốt dịch bệnh.
Theo LÊ NGUYỄN (Nhân dân)