Người dân Sudan sơ tán tránh xung đột giữa quân đội và lực lượng bán quân sự RSF, tại thủ đô Khartoum, ngày 19/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo ông Farhan Haq, WFP "dự đoán rằng số người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở Sudan sẽ tăng từ 2 đến 2,5 triệu người… nâng tổng số người bị mất an ninh lương thực lên 19 triệu người trong vòng 3 đến 6 tháng tới nếu cuộc xung đột tiếp diễn".
Cùng ngày, Hội đồng Nhân quyền LHQ thông báo sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt về tình hình xung đột tại Sudan vào ngày 11/5 tới. Hội đồng cho hay cuộc họp “nhằm giải quyết tác động của cuộc xung đột đang diễn ra đối với các quyền con người” sẽ được tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ), sau yêu cầu của Anh, Đức, Mỹ và Na Uy. Cho đến nay, 52 quốc gia đã ủng hộ việc tổ chức phiên họp này.
Trong khi đó, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã kêu gọi các nước cho phép thường dân chạy trốn khỏi Sudan vào lãnh thổ của họ và không đưa họ trở lại đất nước bị xung đột tàn phá này.
Quan chức UNHCR, bà Elizabeth Tan, cho biết: “Chúng tôi khuyến cáo các chính phủ không nên đưa người dân trở lại Sudan vì xung đột đang diễn ra ở đó và cũng khuyến cáo đây là một làn sóng tị nạn…”.
Trước đó, giới chức Sudan cho biết xung đột vũ trang từ ngày 15/4 giữa Các Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Các Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã cướp đi sinh mạng của hơn 550 người, làm hơn 4.900 người khác bị thương và khiến ít nhất 334.000 người phải đi sơ tán ở trong nước. Theo các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ), khoảng 860.000 người sẽ được sơ tán đến các quốc gia láng giềng, bao gồm Ai Cập, Saudi Arabia, Chad, Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Ethiopia.
Theo MINH TUẤN - HỒNG MINH (Báo Tin Tức)