200 năm kênh Vĩnh Tế - Tầm nhìn chiến lược của tiền nhân

23/08/2024 - 05:09

 - Suốt 200 năm qua, kinh Vĩnh Tế “cần mẫn” chuyên chở phù sa, mang nước ngọt về tưới tắm cho đồng bằng châu thổ. Những khách thương hồ đang ngược xuôi trên dòng kênh huyền thoại ấy chắc hẳn không quên công ơn các bậc tiền nhân đã biến vùng biên viễn Tây Nam Tổ quốc thành mảnh đất trù phú, thanh bình và thịnh vượng.

Vào đầu thế kỷ XIX, trên vùng đất Nam Bộ, đường thủy vẫn là tuyến giao thông huyết mạch, căn bản phục vụ mọi hoạt động từ dân sinh đến quốc phòng, quân sự, ngoại giao. Hệ thống thủy lộ là yếu tố tiên quyết tạo nên vị trí địa chiến lược của vùng biên giới Tây Nam với các trung tâm quốc phòng - kinh tế, như: Hà Tiên, Châu Đốc, Tân Châu, Hồng Ngự, Thông Bình, Quang Hóa.

Dựa trên những đặc điểm thiên tạo và đặc điểm cư dân, kinh tế - xã hội của Nam Bộ thời bấy giờ, triều Nguyễn đã từng bước nhận thức rõ vai trò quan trọng của các vị trí tiếp giáp với lãnh thổ, lãnh hải Chân Lạp (Campuchia) và Xiêm La (Thái Lan).

Về mặt chiến lược, triều Nguyễn xác định: “Thành Gia Định làm cận biên, Châu Đốc tân cương làm viễn biên, Hà Tiên làm cực biên lam chướng”. Trong đó, Châu Đốc và Hà Tiên được xem như những trung tâm chỉ huy quốc phòng quan trọng nhất cho toàn tuyến biên giới Tây Nam của đất nước.

Vì vậy, khi cất cử Nguyễn Văn Thoại về giữ chức Trấn thủ Vĩnh Thanh vào năm 1817, vua Gia Long đã thận trọng căn dặn: “Trấn Vĩnh Thanh đất giáp nước Chân Lạp, điều cốt yếu trong việc phủ trị là sao cho trong cõi được yên, nước ngoài phải phục”.

Sự quan yếu của vùng biên giới Châu Đốc - Hà Tiên đòi hỏi một nguồn lực to lớn để gìn giữ và phát triển. Điều này càng thúc đẩy triều Nguyễn tìm kiếm các biện pháp giải quyết. Như chúng ta đã biết, những năm cuối triều Gia Long, công cuộc khẩn hoang, lập làng trên vùng đất Nam Bộ tuy đã được xúc tiến một cách mạnh mẽ nhưng dải đất mênh mông thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên vẫn còn bỏ ngõ.

Vấn đề thoát úng, rửa phèn vùng này trở nên cấp thiết. Đồng thời, nhu cầu kết nối các trung tâm duyên hải Tây Nam từ đạo Long Xuyên (Cà Mau), Rạch Giá, Hà Tiên với các trung tâm thuộc sông Cửu Long, Mỹ Tho, Gia Định về quốc phòng, giao thông và thương hồ cũng rất cấp bách.

Ngược dòng lịch sử, năm 1705, chúa Nguyễn Phúc Chu từng sai tướng Nguyễn Cửu Vân đào kênh Bảo Định nối Vũng Gù với Mỹ Tho, nhằm khai thông thủy lộ từ Vàm Cỏ Tây đến sông Tiền để “làm hào ngăn ở ngoài cho chắc việc phòng hộ”.

Dựa trên ý tưởng quốc phòng của tiền nhân, vua Gia Long còn cho thấy sự đột phá mạnh mẽ khi muốn khơi đào dòng kênh song song với đường biên giới Chân Lạp, kết nối Châu Đốc - Hà Tiên, phục vụ công cuộc giữ nước và tăng cường nguồn lực cho vùng đất “tân cương”.

Năm 1816, triều Nguyễn cũng nhận thấy Châu Đốc là nơi quan trọng ở biên thùy nên muốn đặt đồn lớn trấn giữ. Do đó, vua Gia Long sai Phó tướng Tả quân Nguyễn Văn Xuân, Trấn thủ Vĩnh Thanh Lưu Phước Tường cùng Nguyễn Đức Sĩ trông coi công việc đắp đồn Châu Đốc nhằm bảo vệ Hà Tiên và sách ứng cho Nam Vang (Phnom Penh). Trong quá trình xây dựng đồn, triều Nguyễn hạ lệnh cho Lưu Phước Tường cùng Nguyễn Đức Sĩ đo đạc hình thế đất đai, vẽ địa đồ dâng lên.

Sau khi xem qua bản địa đồ, vua Gia Long bảo các thị thần rằng: “Đất này nay mở đường sông để đi thẳng tới Hà Tiên, làm ruộng đi buôn đều được lợi cả. Sau này dân ở đông đúc, đất mở rộng rãi, có thể thành một trấn to lớn”. Có thể thấy, ý tưởng đào kênh Vĩnh Tế đã khởi phát một cách rõ nét nhất vào thời điểm này. 

Đến đầu năm 1817, vua Gia Long bàn muốn lấy quân dân khơi đào tuyến thủy lộ nhưng đại thần Nguyễn Văn Nhân đã can rằng: “Việc đào sông là công trình to lớn. Nay, dân nước Phiên (Chân Lạp) mới phụ, nếu việc thổ mộc phiền nhọc, thần sợ họ kinh động mà công việc khó thành. Xin hãy tạm thôi”.

Vua Gia Long thấy hữu lý nên y theo. Như vậy, ngay từ đầu đưa ra kế hoạch đào kênh Vĩnh Tế đã có sự liên quan hoạt động ngoại giao với người Chân Lạp. Cho nên vua Gia Long cũng như triều đình nhà Nguyễn rất thận trọng, chưa vội đào kênh.

Sau khi kênh Thoại Hà ra đời, vua Gia Long thấy rằng đã tới lúc thích hợp để tiến hành khơi đào tuyến thủy lộ kết nối Châu Đốc với Hà Tiên. Người được vua Gia Long “chọn mặt gửi vàng” giao phó trọng trách không ai khác, chính là quan Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại. Đầu năm 1819, triều Nguyễn xuống dụ cho Mạc Công Du xem xét, đo đạc từ Hà Tiên đến sông Châu Đốc rồi vẽ bản đồ dâng lên.

Cuối năm 1819, vua Gia Long đã ra lệnh cho đào kênh thông từ Châu Đốc đến Hà Tiên, lấy tên là kênh Vĩnh Tế. Nhận thấy tính chất quan trọng của việc đào kênh, vua Gia Long dụ cho dân chúng rằng: “Việc đào sông (kênh Vĩnh Tế) là công trình to lớn…” và “Đào con sông này công việc rất khó nhọc. Kế sách của nhà nước, mưu hoạch về biên thùy đều quan hệ không nhỏ. Các ngươi nay khó nhọc, mà thực có lợi muôn đời.”.

Có thể thấy, từ hơn 200 trước, với tầm nhìn chiến lược, triều Nguyễn do vua Gia Long đứng đầu đã mở đường cho phương cách giữ nước, an dân đặc biệt trên vùng Tây Nam biên viễn. Chủ trương này đã tạo nên công trình kỳ vĩ bậc nhất ở Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ XIX - kênh Vĩnh Tế.

TS DƯƠNG THẾ HIỀN (Trường Đại học An Giang)