2023 là năm nóng nhất trong lịch sử

10/01/2024 - 19:07

2023 là năm nóng nhất kể từ khi các kỷ lục về nhiệt độ bắt đầu được ghi nhận từ năm 1850. Đây cũng là năm có nhiệt độ trung bình tất cả các ngày cao hơn 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, với nền nhiệt có thể vượt quá nhiệt độ của bất kỳ giai đoạn nào trong ít nhất 100.000 năm qua.

Một người nông dân bước trên cánh đồng khô cằn gần làng Yaragatti ở huyện Belagavi, Ấn Độ . (Ảnh: thehindu)

Đây là kết luận được nêu lên trong báo cáo do Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (C3S) công bố ngày 9/1. Theo đó khẳng định, 2023 là một năm có những cột mốc khí hậu khắc nghiệt đối với khả năng tồn tại của sự sống trên trái đất. Đây cũng là năm chứng kiến thời tiết phá kỷ lục bao gồm tháng nóng nhất từ trước đến nay và nhiệt độ trung bình hàng ngày trên toàn cầu nhanh chóng vượt mức tiền công nghiệp hơn 2°C vào tháng 11.

Báo cáo của C3S đã xác nhận rằng “nhiệt độ toàn cầu đã chạm tới ngưỡng chưa từng được ghi nhận” từ tháng 6 trở đi có nghĩa 2023 là năm ấm nhất trong lịch sử, vượt qua năm ấm kỷ lục trước đó 2016 với một khoảng cách lớn.

Kỷ lục này đã được xác nhận trong báo cáo “Điểm nổi bật về Khí hậu Toàn cầu năm 2023” do C3S công bố ngày 9/1, trong đó nhấn mạnh mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến hành tinh của chúng ta. Báo cáo cũng đưa ra những nguyên nhân chính đằng sau những hiện tượng cực đoan xảy ra vào năm 2023, bao gồm việc tăng nồng độ khí gây hiệu nhà kính và hiện tượng El Niño.

2023 là năm nóng kỷ lục

Báo cáo của C3S xác nhận năm 2023 là năm ấm nhất kể từ khi dữ liệu nhiệt độ toàn cầu được ghi lại vào năm 1850.

Phó Giám đốc C3S Samantha Burgess cho biết: “Năm 2023 là một năm đặc biệt với các kỷ lục về khí hậu liên tiếp bị xô đổ”.

Năm 2023 chứng kiến nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn nhiều so với giá trị cao nhất hàng năm trước đó vào năm 2016. Nhiệt độ ghi nhận được trong năm 2023 cũng ấm hơn 0,6 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1991 - 2020 và ấm hơn 1,48 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850 - 1900.

“Nhiệt độ trong năm 2023 có thể vượt quá nhiệt độ của bất kỳ thời kỳ nào trong ít nhất 100.000 năm qua” – bà Burgess lưu ý.

Theo số liệu phân tích thì năm 2023 cũng đánh dấu lần đầu tiên nền nhiệt ghi nhận được mỗi ngày trong vòng một năm đều vượt quá 1 độ C so với mức tiền công nghiệp 1850 - 1900. Trong đó, gần 50% số ngày trong năm  ấm hơn 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, trong khi tháng 11/2023 lần đầu tiên ghi nhận 2 ngày ấm hơn 2 độ C so với mức tiền công nghiệp.

Báo cáo của C3S cũng cảnh báo về nguy cơ nhiệt độ sẽ vượt quá 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp trong khoảng thời gian 12 tháng kết thúc vào tháng 1 hoặc tháng 2/2024.

Giám đốc C3S Carlo Buontempo cho biết: “Thỏa thuận Paris đề cập đến mức tăng trung bình là 1,5 độ C trên mức tiền công nghiệp trong 20 năm. Điều này khác với những gì chúng tôi đã ghi nhận vào năm 2023 cũng như những gì có thể xảy ra vào tháng 2/2024”.

Với nhiệt độ các đại dương cao bất thường

Theo phân tích của C3S, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nền nhiệt trái đất ấm lên bất thường xảy ra trong năm 2023 là nhiệt độ bề mặt cao chưa từng thấy ở các đại dương trên thế giới. Trong đó, sự gia tăng nhiệt độ nước biển chịu tác động không nhỏ bởi hiện tượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Báo cáo của C3S đã chỉ ra rằng, nhiệt độ mặt nước biển trung bình toàn cầu (SST) vẫn “cao liên tục và bất thường”, đạt mức kỷ lục trong thời gian trong năm từ tháng 4 đến tháng 12 năm ngoái. SST được ghi nhận ở mức cao tại hầu hết các đại dương, đặc biệt là ở Bắc Đại Tây Dương - vùng biển đóng vai trò quan trọng trong việc khiến nhiệt độ toàn cầu bị đẩy lên mức cao kỷ lục.

Yếu tố dài hạn chính khiến nhiệt độ đại dương tăng cao là sự gia tăng liên tục của nồng độ khí nhà kính. Tuy nhiên, một yếu tố khác đóng vai trò không nhỏ khiến nền nhiệt trái đất kỷ lục năm 2023 cao kỷ lục là hiện tượng Dao động Nam El Niño (ENSO). Trong khi đó, các SST ghi nhận được ở mức cao chưa từng có cũng liên quan đến các đợt nắng nóng tại các vùng biển trên toàn cầu, bao gồm cả các vùng ở Địa Trung Hải, Vịnh Mexico và Caribe, Ấn Độ Dương và Bắc Thái Bình Dương cũng như phần lớn Bắc Đại Tây Dương.

Băng Nam Cực ở mức thấp kỷ lục

Băng Nam Cực đang ghi nhận sự tan chảy kỷ lục. (Ảnh minh họa: Science et vie). 

Năm 2023 cũng chứng kiến một thực tế đáng quan ngại ở Nam Cực khi lượng băng tại khu vực này đạt mức thấp kỷ lục tới 8 tháng trong năm. Trong đó, cả số đo lượng băng hàng ngày và hàng tháng đều đạt mức thấp nhất mọi thời đại vào tháng 2/2023.

Theo Giám đốc C3S: “Những thái cực mà chúng tôi quan sát được trong vài tháng qua cung cấp một bằng chứng ấn tượng về việc chúng ta hiện đã cách xa khí hậu nơi nền văn minh của chúng ta phát triển như thế nào… Điều này sẽ tác động sâu sắc đến Thỏa thuận khí hậu Paris và mọi nỗ lực của con người”.

Nồng độ khí gây hiệu ứng nhà kính phá vỡ kỷ lục

Kết quả phân tích của C3S và Dịch vụ giám sát khí quyển Copernicus (CAMS) chỉ ra rằng, trong năm 2023, nồng độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính đạt mức cao nhất từng được ghi nhận. Trong đó, nồng độ carbon dioxide vào năm 2023 cao hơn 2,4 phần triệu (ppm) so với năm 2022 còn nồng độ khí mêtan tăng 11 phần tỷ (ppb).

Trong năm 2023, các nhà khoa học ước tính rằng nồng độ carbon dioxide trung bình hàng năm trong khí quyển là 419 ppm và 1902 ppb đối với khí mêtan. Điều đó có nghĩa rằng, tốc độ tăng lượng khí carbon dioxide trên trái đất vẫn duy trì ở mức độ cao được quan sát trong những năm gần đây, trong khi mức phát thải khí mêtan thấp hơn so với ba năm qua.

Ông Mauro Facchini, người đứng đầu bộ phận quan sát trái đất của EU cho biết, dựa trên các công việc đã thực hiện trong năm 2023, báo cáo của C3S sẽ sẽ "không mang lại những thông tin tốt".

Theo phân tích của chuyên gia này, các dữ liệu hàng năm được trình bày trong báo cáo của C3S đã cung cấp thêm bằng chứng về tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh các nước Liên minh châu Âu chỉ còn 6 năm nữa để hiện thực hóa cam kết cắt giảm 55% lượng khí thải vào năm 2030 thì thách thức đã trở nên “quá rõ ràng”.

Kéo theo những tác động mạnh mẽ đến con người, các hoạt động kinh tế và hệ sinh thái

Thảm họa cháy rừng thảm khốc ở Hawaii. (Ảnh: AP)

Các chuyên gia cảnh báo, mỗi nhiệt độ tăng lên đều làm trầm trọng thêm những thảm họa thời tiết cực đoan và có sức tàn phá đối với hành tinh và cuộc sống con người.

Vào năm 2023, hiện tượng ấm lên của trái đất đã làm trầm trọng thêm các đợt nắng nóng chết người từ Trung Quốc đến châu Âu, mưa lớn gây lũ lụt giết chết hàng nghìn người ở Libya và các đợt cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử ở Canada.

Nhà khoa học khí hậu Friederike Otto nhấn mạnh: “Những thay đổi nhỏ tương đương về nhiệt độ toàn cầu đều tác động rất lớn đến con người và hệ sinh thái”.

Hậu quả kinh tế của biến đổi khí hậu cũng ngày càng leo thang. Dữ liệu của Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia cho thấy, trong năm qua, Mỹ đã hứng chịu ít nhất 25 thảm họa về khí hậu, với thiệt hại lên tới hơn 1 tỷ USD. Trong khi hạn hán kéo dài đã tàn phá nghiêm trọng các mùa màng đậu tương ở Argentina và lúa mì ở Tây Ban Nha.

Giáo sư về biến đổi khí hậu thuộc Đại học Reading, ông Ed Hawkins, cho rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan này sẽ tiếp diễn nghiêm trọng hơn cho đến khi con người "quay lưng hẳn" với nhiên liệu hóa thạch và đạt mức phát thải ròng bằng 0”. Ông đồng thời cảnh báo con người sẽ vẫn phải gánh chịu hậu quả trong nhiều thế hệ do sự chậm trễ trong hành động.

Theo Đảng Cộng Sản