Trong căn nhà sàn nhỏ thuộc ấp Trung Phú 1 (xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn), chúng tôi chứng kiến cảnh sống vừa đơn chiếc, vừa thiếu thốn trăm bề của bà Huỳnh Thị Đơn. Ở tuổi 73, mắt chỉ thấy mờ mờ, tay chân đau nhức vì thoái hóa khớp, bà Đơn còn đeo mang căn bệnh lao phổi 9 tháng nay. Có chút ít thuốc, nhưng bệnh của bà vẫn chưa thuyên giảm. Do vậy, mỗi ngày trôi qua, bà phải chịu đựng từng cơn ho, mệt mỏi, khó ăn, khó ngủ.
Bà Đơn chia sẻ tình cảnh hiện tại: “Chồng tôi mất cách đây nhiều năm, nhà chỉ có 1 đứa con trai. Mấy năm nay, con tôi lên tỉnh Bình Dương tìm việc làm. Ngày trước, còn gửi chút ít tiền về, nay nghe nói bị cho nghỉ việc, nên không đủ tiền trọ, ăn uống hay gửi tiền về cho tôi”.
Mấy tháng nay, nhà không còn gì. Gạo có được là nhờ người này người kia cho, thuốc men thì ai cho tiền mới đi nhận thuốc. Ngôi nhà sàn với cột kèo mục nát, tấm cao su làm vách cũng bị hư sau những mùa mưa nắng. Chúng tôi cảm thấy quá xót xa cho cảnh nghèo khó, đơn chiếc và bệnh tật của bà.
Gần nhà bà Đơn (cùng ấp Trung Phú 1), bà Phan Kim Liên đang sống trong cảnh đơn chiếc, đau bệnh trong căn nhà nhỏ ven sông, hư hỏng dần theo năm tháng. Cứ mỗi lần mưa to gió lớn, bà Liên nơm nớp lo sợ nhà bị đổ sập bất cứ lúc nào. Mọi vật dụng trong nhà đều bị ướt sũng do mái tole mục nát nhiều năm, không có người sửa chữa. Ở cái tuổi 77, bà Liên còn lui cui lo từng bữa ăn, tự lo thuốc uống.
Bà Liên cho hay: “Chồng tôi đã mất, 2 đứa con có gia đình, đời sống rất khó khăn, đi làm xa, nên không đứa nào lo cho tôi được. Hổm nay nhà không còn gì, tôi sống nhờ vào tình thương hàng xóm, ai giúp được bữa nào hay bữa ấy. Cầu mong tôi đừng đau bệnh gì nhiều, không tốn kém thêm tiền thuốc”.
Bà Nguyễn Thị Hường (57 tuổi, cùng ngụ ấp Trung Phú), bệnh đau chân do lao động quá sức. Trước đây, lúc còn khỏe mạnh, bà rong ruổi trên tuyến đường quê, đẩy xe đi bán tàu hủ dạo, kiếm được tiền đều lo bữa cơm, manh áo cho chồng, con. Nay tuổi cao sức yếu, bà không thể gắng gượng làm mãi công việc đó, kèm thêm đôi chân hay nhức mỏi và yếu dần. Nay việc di chuyển, đi lại trong nhà là điều khó khăn đối với bà. Mặc dù bà rất mong muốn được đi khám và điều trị bệnh, nhưng tiền trong túi không còn đồng nào, bà đành chịu đựng.
Bà Hường cho biết: “Từ lúc tôi đau bệnh, chồng tôi ở quê cũng không ai thuê làm việc, đành lên tỉnh Bình Dương xin làm bảo vệ cho một công ty. Ông ấy dành dụm được chút tiền để lo chạy chữa cho tôi. Vậy mà giờ đây ông thất nghiệp, 2 đứa con tôi đi làm công ty chịu chung tình cảnh. Mấy tháng nay, họ xoay tiền trọ còn khó, huống chi là gửi về cho tôi. Điều tôi mong nhất hiện nay là có ít tiền sinh hoạt và điều kiện để đi khám bệnh, vơi bớt nỗi đau nhức phải chịu đựng mỗi ngày”.
Trưởng ban Công tác Mặt trận kiêm Phó Trưởng ban Nhân dân ấp Trung Phú 1 Phan Văn Tặng cho biết: “Các gia đình trên hiện trong tình cảnh khó khăn. Ngày trước họ đều chí thú lao động, nhưng vẫn không thể thoát khỏi khó khăn. Nay lại thêm cảnh đơn chiếc, bệnh tật, không người nuôi dưỡng, không tiền đi tái khám và lấy thuốc uống thường xuyên. Địa phương thường xuyên quan tâm, nhưng không giúp được nhiều cho họ. Chúng tôi rất mong những tấm lòng nhân ái gần xa cùng chung tay giúp đỡ, để các gia đình vơi bớt khó khăn, nỗi đau bệnh tật”.
Mọi chia sẻ, giúp đỡ, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang (số 399B Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang), điện thoại: 0986.058.053. Tên tài khoản: Báo An Giang, số tài khoản: 6700201006825 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh An Giang. Khi chuyển khoản, bạn đọc cần ghi rõ họ tên người được hỗ trợ. |
NGỌC GIANG