3 "thủ phạm" gây ung thư rất dễ lây: Không chủ quan khi đã bị nhiễm

04/06/2022 - 09:15

Một số bệnh nhiễm virus ảnh hưởng trực tiếp đến ADN. Các bệnh nhiễm trùng khác có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm lâu dài, làm tăng nguy cơ mắc ung thư.

Virus viêm gan B - ung thư gan

 

Bệnh viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu của ung thư gan, 25% bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B sẽ diễn tiến biến chứng xơ gan, ung thư gan nếu không được điều trị. 100% ung thư gan ở trẻ em là do viêm gan B. Virus viêm gan B chủ yếu lây qua đường máu, lây từ mẹ sang con trong khi sinh hoặc quan hệ tình dục không an toàn.

Trong khi đó mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm virus viêm gan B, thì nhiễm virus viêm gan B ở độ tuổi càng trẻ nguy cơ gây viêm gan mạn tính hoặc ung thư gan sau này càng cao. 

Tuy nhiên, việc điều trị sớm sẽ kiểm soát được nguy cơ này. Theo đó, khi được điều trị, số lượng virus trong gan được kiểm soát dưới ngưỡng, virus không đủ lượng để tấn công, gây hại cho tế bào gan.

Vi khuẩn Helicobacter pylori - ung thư dạ dày

Vi khuẩn Helicobacter pylori (H.P) là một vi khuẩn hình que, sống trong môi trường có không khí, có một túm lông ở một đầu, nhờ những lông này mà vi khuẩn có thể chuyển động được. Vi khuẩn H.P đã được tìm thấy ở trong dạ dày của người vào năm 1982 bởi hai nhà bác học người Úc là Barry Marshall và Robin Warren. 

Vi khuẩn H.P lây truyền từ người này qua người khác qua con đường trực tiếp qua miệng - miệng ở những thành viên trong gia đình và lây truyền qua phân, do thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm bẩn.

Nhiễm vi khuẩn H.P gây ra tình trạng viêm mạn tính tại niêm mạc dạ dày. Viêm mạn tính lâu ngày làm giảm và mất các tuyến bình thường của dạ dày thay thế vào đó là tổ chức xơ hay còn gọi là viêm teo, niêm mạc bình thường được thay thế bằng biểu mô niêm mạc ruột hay còn gọi là dị sản ruột.

Tình trạng viêm teo niêm mạc dạ dày và dị sản ruột gặp khoảng 50% số trường hợp bị nhiễm H.P. Chính tình trạng viêm teo mạn tính nặng và dị sản ruột dẫn tới xuất hiện ung thư dạ dày. 

Virus Epstein-Barr - ung thư vòm họng

Virus này liên quan đến ung thư vòm mũi họng, ung thư hạch lympho. Các trường hợp ung thư này gặp nhiều ở các nước châu Á và châu Phi.

Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy bệnh ung thư vòm họng có liên quan đến virus Epstein-Barr (EBV). Xét nghiệm kháng thể chống virus này tăng cao ở một số bệnh nhân ung thư vòm họng loại biểu mô không biệt hóa. Ngoài ra, ADN virus này có trong nhân các tế bào ung thư.

EBV là một trong những loại virus thuộc họ herpes phổ biến nhất ở người. Nước bọt là con đường lây nhiễm chủ yếu nên bệnh EBV còn được gọi là bệnh nụ hôn.

Ung thư vòm mũi họng gặp chủ yếu loại ung thư biểu mô không biệt hóa của vòm mũi họng là một trong những loại ung thư phổ biến và mang tính khu vực. Các trường hợp ung thư này gặp nhiều ở các nước châu Á và châu Phi. Nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ giới, với tỷ lệ khoảng 2-3 nam/1 nữ.

Theo Dân trí