Đại học là nơi mà sinh viên được tự do lựa chọn môn học, giảng viên, và khung giờ học. Tùy vào ngành nghề và chương trình học được đào tạo, sinh viên sẽ được cấp loại bằng khác nhau.
Để biết bằng đại học hiện nay có những loại nào và ai sẽ là người nhận những tấm bằng đó, chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Bằng tốt nghiệp đại học là tấm bằng mơ ước của nhiều người. (Ảnh minh họa)
5 loại bằng tốt nghiệp đại học
Theo Khoản 2 Điều 12 Luật Giáo dục 2019 quy định, các loại văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: Bằng tốt nghiệp THCS; bằng tốt nghiệp THPT; bằng tốt nghiệp trung cấp; bằng tốt nghiệp cao đẳng; bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.
Riêng với bằng tốt nghiệp đại học (hay còn gọi với tên khác là bằng tốt nghiệp cử nhân), Luật quy định, đây là loại chứng chỉ sinh viên sẽ nhận được sau khi hoàn thành chương trình học tại các trường đại học với mức xếp loại: xuất sắc, giỏi, khá, trung bình.
Bằng tốt nghiệp đại học chia theo 5 ngành nghề:
Bằng cử nhân (bằng tốt nghiệp đại học của các ngành khoa học cơ bản Sư phạm, Luật, Kinh tế);
Bằng bác sĩ, bằng dược sĩ (bằng tốt nghiệp đại học của ngành Y dược);
Bằng kỹ sư (bằng tốt nghiệp đại học của ngành Kỹ thuật);
Bằng kiến trúc sư (bằng tốt nghiệp đại học của ngành Kiến trúc);
Bằng tốt nghiệp đại học của các ngành còn lại.
Điều kiện được xét cấp bằng tốt nghiệp đại học
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, sinh viên được xét và công nhận tốt nghiệp đại học khi có đủ các điều kiện sau:
Tích lũy đủ học phần, số tín chỉ và hoàn thành các nội dung bắt buộc khác theo yêu cầu của chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
Điểm trung bình tích lũy của toàn khóa học đạt từ trung bình trở lên.
Tại thời điểm xét tốt nghiệp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không đang trong thời gian bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập.
Do đó, sinh viên muốn được xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp đại học phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên.
Mất bằng tốt nghiệp đại học có được cấp lại không?
Theo quy định, tất cả các loại văn bằng, chứng chỉ được cấp một lần. Các văn bằng, chứng chỉ sẽ được cấp lại trong điều kiện phát hiện cơ quan cấp viết sai thông tin.
Ngoài ra, với bậc đại học, khi bị mất bằng tốt nghiệp, sinh viên sẽ không được cấp lại bản gốc mà chỉ được cấp bản sao từ sổ gốc. Bản sao của bằng tốt nghiệp đại học có giá trị sử dụng thay cho bản chính. Như vậy, khi mất bản chính bằng tốt nghiệp đại học, người học sẽ không được cấp lại bản gốc.
Trong trường hợp bạn có yêu cầu cấp lại văn bằng, chứng chỉ cần gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho cơ quan có thẩm quyền. Bộ hồ sơ gồm: đơn đề nghị cấp lại văn bằng, chứng chỉ; văn bằng, chứng chỉ đề nghị cấp lại; giấy tờ chứng minh cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ viết sai văn bằng, chứng chỉ.
Hiện nay, lệ phí cấp lại bản sao bằng tốt nghiệp đại học được thu theo quy định của từng trường, thường dao động khoảng 30 - 50.000 đồng/bản, cao nhất 80.000 đồng/bản.
Theo ANH ANH (VTC News)