5 lý do khiến Ukraine khó sớm gia nhập NATO

07/10/2022 - 14:07

Ukraine mới đây đã phản ứng trước việc Nga sáp nhập bốn khu vực vào cuối tuần trước bằng cách tuyên bố muốn nhanh chóng gia nhập liên minh quân sự NATO.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AP

Hiện đác thành viên như Ba Lan, Romania, Slovakia, Séc, Estonia, Latvia, Litva, Montenegro và Bắc Macedonia đã ủng hộ đề nghị trên của Kiev.

Tuy nhiên, đáng chú ý là Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã né tránh việc ủng hộ nỗ lực này, trong khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng đơn đăng ký nên được hoãn lại.

Theo trang tin euronews.com ngày 5/10, dưới đây là 5 lý do khiến Ukraine khó có thể sớm gia nhập NATO:

Thứ nhất, nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột rộng lớn hơn. Theo Điều 5 của thỏa thuận phòng thủ tập thể trong NATO, nếu một quốc gia thành viên bị tấn công thì tất cả những quốc gia khác phải coi đây là một cuộc tấn công nhằm vào chính họ và phải viện trợ cho đồng minh.

Điều này có nghĩa là nếu Ukraine gia nhập NATO trong khi vẫn còn xung đột với Nga, thì Điều 5 sẽ được áp dụng.

John Williams, Giáo sư tại Đại học Durham, chuyên về chính trị quốc tế, chiến tranh và chủ quyền, cho biết: “Có những rủi ro leo thang khi đưa Ukraine trở thành thành viên”, cảnh báo điều này có thể dẫn đến một "kịch bản ác mộng".

Ông Williams nói: “NATO sẽ tham gia vào cuộc xung đột một cách trực tiếp hơn nhiều, có nghĩa là các thành viên khác có biên giới với Nga, chẳng hạn như các nước Baltic và Ba Lan, có khả năng trở thành tiền tuyến trong cuộc đối đầu giữa hai bên”.

Về phần mình, Jamie Shea, cựu Phó Trợ lý Tổng thư ký NATO, nêu rõ: “Hãy giải quyết xung đột trước tiên”.

Thứ hai, tư cách thành viên NATO “không cần thiết” đối với Ukraine. Cùng với hàng chục tỷ euro viện trợ quân sự và tài chính từ các quốc gia thành viên, NATO cũng đang hỗ trợ rất lớn cho Ukraine, cả viện trợ nhân đạo và phi sát thương.

Ông Shea lưu ý: “Thật là mỉa mai. Tất cả những vũ khí đang viện trợ cho Ukraine có nghĩa là, theo một cách nào đó, nước này đã có bảo đảm an ninh của NATO mà không cần tư cách thành viên".

Theo ông Shea, đôi khi “một nước có thể nhận được rất nhiều lợi ích từ NATO mà không cần thực sự gia nhập”, trích dẫn ví dụ về Kosovo, được hỗ trợ bởi lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh quân sự này vào cuối những năm 1990.

Thứ ba, Ukraine “chưa sẵn sang” trở thành thành viên NATO. Trước khi có thể gia nhập Liên minh, các quốc gia trước tiên phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định về kinh tế, chính trị và quân sự.

Theo Giáo sư Williams, Ukraine vẫn cần một quá trình để hoàn thành các tiêu chí thành viên NATO, đặc biệt liên quan đến các vấn đề như "thể chế dân chủ" và "quy trình chống tham nhũng".

Hiện nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine cũng gặp phải những khó khăn tương tự, với những lo ngại xung quanh việc liệu nước này có đáp ứng được các tiêu chuẩn và kỳ vọng của khối hay không.

Tuy nhiên, có những hy vọng rằng cuộc xung đột sẽ cải thiện khả năng của Ukraine trong việc đáp ứng các yêu cầu của NATO, đặc biệt là về mặt quân sự.

Ông Shea cho biết: “Ukraine có thể sẽ giải quyết được vấn đề này khi là một trong những đội quân tốt nhất trong NATO vì nước này đã nhận được rất nhiều trang thiết bị và đào tạo của phương Tây”. Điều này sẽ làm cho Kiev trở thành một "ứng cử viên hấp dẫn hơn" về lâu dài, theo ông Shea .

NATO sẽ không kết nạp một thành viên đang có xung đột. Ảnh: AP

Thứ tư, rất khó để khiến tất cả các thành viên NATO ủng hộ nỗ lực của Ukraine. Theo quy định của NATO, các thành viên mới chỉ có thể được kết nạp nếu cả 30 thành viên hiện nay cùng đồng ý. Ngay cả khi một nước phản đối, quá trình gia nhập NATO của Ukraine có thể sẽ bị “trật bánh”.

Thụy Điển và Phần Lan đã và đang gặp phải khó khăn này khi nộp đơn gia nhập NATO, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra phản đối ban đầu.

Ngoài ra, Hungary cũng có thể là quốc gia tiềm năng phản đối tư cách thành viên NATO của Ukraine. Hai nước có chung đường biên giới trên bộ, có tranh chấp kéo dài về quyền của người thiểu số nói tiếng Hungary ở Ukraine.

Kể từ năm 2017, khi Ukraine đưa tiếng Ukraine trở thành ngôn ngữ bắt buộc trong các trường tiểu học, Hungary đã nhiều lần ngăn cản nỗ lực hội nhập của Ukraine với cả NATO và EU.

Đó là chưa kể đến quan điểm của một số nước thành viên châu Âu khác. William Alberque, Giám đốc chiến lược, công nghệ và kiểm soát vũ khí tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết: “Câu hỏi lớn là liệu Pháp và Đức, có đồng ý hay không?".

Năm 2008, cả Paris và Berlin đều ngăn chặn nỗ lực gia nhập Liên minh của Ukraine và Gruzia, trong khi vào tháng 2/2022 - chỉ một tuần trước khi cuộc xung đột với Nga nổ ra - Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng tư cách thành viên của Ukraine không nằm trong nghị trình.

Thứ năm, cảnh báo từ Nga. Nếu Ukraine trở thành thành viên NATO và tham gia kế hoạch phòng thủ tổng hợp của Liên minh, ông Shea cho rằng điều này sẽ dẫn đến việc đưa quân đội phương Tây và các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Ukraine.

Kể từ khi xung đột nổ ra, Moskva luôn cho rằng Nga đang bị NATO đe dọa. Moskva cũng viện cớ rằng cuộc xung đột ở Ukraine là nhằm loại bỏ mối nguy hiểm đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga.

Các quan chức NATO và các chính trị gia phương Tây đã nhiều lần tuyên bố rằng cuộc xung đột ở Ukraine là giữa Kiev và Moskva, với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Washington sẽ không kéo liên minh vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn về Ukraine.

Theo CÔNG THUẬN (Báo Tin Tức)