7 điều cha mẹ cần làm để loại bỏ thói hư tật xấu của trẻ

07/01/2018 - 19:26

Trẻ có những thói hư tật xấu một phần không nhỏ là chịu sự ảnh hưởng từ cách dạy bảo, chăm sóc và cư xử của cha mẹ.

1. Không phản ứng lại

Giáo sư Ed Christophersen, chuyên gia tâm lý hành vi trẻ em tại bệnh viện nhi Mercy (bang Missouri, Mỹ) đã chỉ ra rằng: điều sai nhất của các bậc cha mẹ là luôn đáp ứng và nhượng bộ với những hành vi không tốt của con.

Khi trẻ có thái độ khóc lóc, rên rỉ hay quát tháo để được chú ý và được đáp ứng đòi hỏi của mình, bố mẹ không nên đáp ứng ngay chỉ vì muốn con ngừng khóc. 

Hãy tùy theo tình huống mà cân nhắc có nên đáp ứng yêu cầu của trẻ hay không và nói rõ với trẻ rằng dù con có khóc lóc thế nào, bố mẹ cũng sẽ không đồng ý nếu đó không phải là một yêu cầu hợp lý.

Hãy nói rõ cho trẻ biết, để trẻ hiểu rằng việc khóc lóc, quát tháo sẽ không giúp bé có được thứ mà bé muốn.

2. Suy nghĩ tích cực

Chuyên gia tư vấn gia đình Robin H.C - tác giả của cuốn sách 'Think your way to happy' cho biết, nếu muốn trẻ ngoan hơn, bố mẹ cũng cần suy nghĩ tích cực hơn.

Bố mẹ hãy tự tạo cho mình tâm lý thoải mái và nhìn vào mặt tích cực của mọi vấn đề. Khi trẻ có những hành động tốt, hãy nói ra cảm xúc vui mừng, tự hào của bản thân cho trẻ biết để trẻ thấy rằng, hành động đó của trẻ là đúng.

Nếu bố mẹ luôn giữ những suy nghĩ tiêu cực, thái độ bực bội và dễ nổi nóng sẽ làm ảnh hưởng không tốt đến tính cách và cách cư xử của trẻ.

3. Kiểm điểm bản thân

Các bậc cha mẹ hãy tự hỏi lại mình: 'Liệu mình có đòi hỏi ở các con quá nhiều?'

Trẻ con còn nhỏ tuổi chưa thể có nhận thức, khả năng được như người lớn, vì thế, bạn không nên áp đặt lên trẻ quá nhiều đòi hỏi khiến trẻ chịu áp lực và muốn phản kháng.

Một buổi sáng, thay vì thúc giục con khẩn trương lên, hãy bình tĩnh nói: 'Mẹ muốn nhắc con là chỉ còn 5 phút cho các con nếu các con không muốn muộn giờ học'. 

Thay vì thúc giục hay những câu nói như 'Tại sao con không làm được như vậy?', hãy nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu vấn đề để chúng tự nhận ra trách nhiệm của mình và hoàn thành công việc một cách tự giác.

4. Kiểm chứng thói hư của trẻ trước khi kỉ luật

Hành động của trẻ đều có lý do, cha mẹ nên là người chỉ ra điều con làm chưa đúng và đưa ra phán xử một cách công bằng.

Nếu 2 đứa trẻ đánh nhau, hãy tách chúng ra và hỏi rõ nguyên do. Đừng phủ nhận cảm xúc tiêu cực của trẻ nếu nó có nguyên nhân chính đáng mà hãy kêu trẻ bình tĩnh lại, sau đó bố mẹ sẽ giải quyết giúp trẻ mâu thuẫn giữa chúng.

Trước khi kỉ luật trẻ, hãy tìm hiểu rõ nguyên nhân để tránh trường hợp trẻ bị 'oan ức' và càng muốn phạm lỗi.

5. Kiên định

Cha mẹ nên nhất quán, rõ ràng, luôn giữ chính kiến và kiểm soát cơn bộc phát của mình.

Khi trẻ không thích loại kem đánh răng mới, hay một món ăn nào đó..., hãy nói với trẻ rằng: 'Con hãy thử đón nhận những điều mới và không than phiền' thay vì quát nạt hoặc bắt trẻ phải chấp nhận.

6. Điều chỉnh thói hư

Khi trẻ có một thói quen không tốt nào đó cần điều chỉnh, như xem ti vi quá nhiều, hay vòi vĩnh, thích tranh giành với anh chị em..., bạn hãy nghĩ ra những cách giải quyết phù hợp để điều chỉnh những thói quen này.

Điều cần chú ý là, trong quá trình điều chỉnh những thói quen xấu của trẻ, bạn phải tuân thủ những quy tắc phía trên để không nhượng bộ với trẻ, đồng thời không nổi nóng, cáu gắt với trẻ.

Hãy tạo cho trẻ những thói quen mới tốt hơn, ví dụ như cho trẻ học đàn trong giờ xem ti vi, hoặc cho trẻ học một môn thể thao để khỏa lấp khoảng thời gian trống của trẻ mà vẫn không khiến trẻ chịu thêm áp lực học tập.

7. Thư giãn

Hãy tạm gác công việc lại và cho trẻ những ngày cuối tuần thảnh thơi, cùng trẻ đi chơi dã ngoại đến công viên, cho trẻ đọc sách, nấu ăn, vui đùa, chạy nhảy.

Những giờ phút thư giãn sẽ giúp trẻ có thêm nhiều cảm xúc tốt để góp phần 'lấn át' đi những cảm xúc không tốt dẫn đến nhiều thói hư tật xấu của trẻ.

Theo LAM (giadinhmoi.vn)