Mỹ Nhung (thứ hai, bên trái) tại lễ trao giải cuộc thi Bông Lúa Vàng 2023
Quá trình đến với nghệ thuật cải lương của Mỹ Nhung khá đặc biệt. Vốn đam mê cải lương từ nhỏ, nhưng không có cơ hội tìm được thầy học hỏi và đi theo con đường chuyên nghiệp. Mãi đến cuối năm 2018, Mỹ Nhung tình cờ xem truyền hình giới thiệu về lớp học đờn ca tài tử của vợ chồng Nghệ nhân ưu tú Đặng Hoàng Linh - Nghệ nhân nhân dân Phương Hồng Thắm, cô gái mới liên hệ và xin tham gia lớp học.
“Quá trình tham gia cuộc thi, Nhung nhận được nhiều góp ý và tập dợt của thầy cô, từ chọn kịch bản cho đến cách hát, diễn xuất. Thầy cô luôn theo dõi mọi hoạt động cuộc thi và động viên Nhung rất nhiều. Mặc dù sức khỏe không cho phép, nhưng thầy cô vẫn khăn gói từ quê nhà An Giang lên TP. Hồ Chí Minh để tham dự đêm trao giải, ủng hộ tinh thần. Nhung rất hạnh phúc và tự hào” - Mỹ Nhung chia sẻ.
Đây là lần thứ 2, Mỹ Nhung tham gia cuộc thi Bông Lúa Vàng. Lần đầu là năm 2019, lúc vừa theo học nghệ nhân ưu tú Đặng Hoàng Linh và nghệ nhân nhân dân Phương Hồng Thắm. Lần thứ 2 quay trở lại sau 4 năm, với kỹ thuật và ca diễn tốt hơn, Nhung được chọn thẳng vào vòng “Lúa vàng” với phần dự thi bài xàng xê “Dâng lên người những đóa hoa”, do chính nghệ nhân nhân dân Phương Hồng Thắm sáng tác và chỉ cách ca diễn. Ở vòng “Lúa vàng”, với trích đoạn “Võ Thị Sáu” (tác giả Đăng Minh), Mỹ Nhung đạt số điểm tuyệt đối 20 để tiến thẳng vào vòng chung kết xếp hạng.
Trải qua các vòng thi “Gieo hạt”, “Mạ non”, “Trổ đòng” và “Lúa vàng”, 6 thí sinh xuất sắc đã vượt qua hàng trăm thí sinh để có mặt tranh tài trong buổi thi chung kết xếp hạng. Đó là: Huỳnh Thị Lý (Long An), Nguyễn Thanh Phường (Kiên Giang), Huỳnh Thị Bé Nhiên (TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Quỳnh Như (Bạc Liêu), Nguyễn Hoàng Nam (Sóc Trăng) và Dương Thị Mỹ Nhung (An Giang).
Tại vòng chung kết xếp hạng, các thí sinh dự thi với một trích đoạn cải lương tự chọn. Hội đồng giám khảo là những tên tuổi nổi tiếng, như: Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Bạch Tuyết, NSND Minh Vương, NSND Thanh Tuấn, Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Khải, nghệ sĩ Thanh Hằng. Dương Thị Mỹ Nhung chọn diễn trích đoạn “Cánh hạc chiều đông” (soạn giả Chi Lăng).
Trích đoạn này đòi hỏi vừa hát vừa diễn xuất và vũ đạo. Nhung cho rằng đây là một thử thách cùng sự đột phá cho bản thân. Với sự trợ diễn của nghệ sĩ Nguyễn Văn Hợp (Chuông bạc vọng cổ 2015) và phần diễn xuất tốt của bản thân, Mỹ Nhung (thí sinh nhỏ tuổi nhất ở vòng chung kết xếp hạng) đã hoàn thành tốt phần thi của mình…
Kỷ niệm nhớ nhất khi tham gia giải Bông Lúa Vàng là sau đêm chung kết xếp hạng, có rất nhiều khán giả đã bày tỏ tình cảm yêu mến, dành rất nhiều lời khen ngợi cho sự cố gắng của Nhung; rất nhiều khán giả đã gọi điện chúc mừng, động viên Nhung, mọi người đặt cho Nhung cái tên mới yêu thương là “Bé Hạc”…
Từ khi bắt đầu theo học ca hát, Nhung tích lũy được một số kinh nghiệm cho bản thân, tham gia thử sức ở các cuộc thi lớn, nhỏ và cũng may mắn gặt hái được quả ngọt. Đó là: Giải nhất “Tiếng hát từ quê hương Châu Thành 2018”; giải tư “Chuông vàng vọng cổ” do Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV) tổ chức năm 2022; mới đây là Á quân giải Bông Lúa Vàng 2023…
Dự định sắp tới, Mỹ Nhung sẽ tiếp tục học hỏi, trau dồi bản thân và nghề hát; ra những sản phẩm âm nhạc hay để dành tặng những khán giả yêu thương “Bé Hạc” suốt thời gian qua…
“Mỹ Nhung là một diễn viên nhiều triển vọng, có tâm huyết với nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Khi được thầy cô chỉ dạy, Nhung tiếp thu rất nhanh. Đặc biệt, Nhung có giọng ca ngọt ngào, trong sáng, phát âm rõ, diễn cảm tốt, kỹ thuật nhịp điệu bài bản khá vững vàng” - Nghệ nhân ưu tú, đạo diễn Đặng Hoàng Linh (Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tỉnh An Giang) nhận xét. |
HỮU HUYNH