Kết nối thiết bị điện tử với mô người là một thách thức lớn, bởi các vật liệu truyền thống như vàng, silicon và thép gây ra sẹo khi cấy ghép.
Việc tìm ra vật liệu polymer mới là một bước đột phá lớn, có thể cho phép não người liên kết với trí tuệ nhân tạo (AI), nghiên cứu đã được công bố tại một sự kiện của Hiệp hội Hóa học Mỹ, hôm 17-8.
Các vết sẹo do các vật liệu được sử dụng trước đây không chỉ gây tổn thương mà còn làm gián đoạn các tín hiệu điện truyền từ máy tính đến mô cơ hoặc não. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Delaware đã có thể khắc phục điều này sau thử nghiệm nhiều loại polymer khác nhau.
Vật liệu mới có thể cho phép chẩn đoán sức khỏe và tích hợp não người với trí tuệ nhân tạo.
Vật liệu polymer mới có tên khoa học là poly (3,4-ethylenedioxythiophene) polystyrene sulfonate hay còn gọi là PEDOT, có thể giao tiếp với các thành phần điện tử mà không để lại sẹo; đồng thời tăng cường đáng kể hiệu suất cấy ghép trong y học.
Theo nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng màng phim PEDOT kết hợp kháng thể có thể phát hiện sự phát triển của các khối u trong cơ thể con người ở giai đoạn đầu cũng như điều trị các rối loạn não và hệ thần kinh.
Một số công ty và tổ chức nghiên cứu cho biết, sẽ phát triển công nghệ này nhằm kết hợp giao diện não người với AI, trong đó có công ty Neuralink của tỷ phú Elon Musk, dự định sẽ công bố thêm chi tiết về một thiết bị chip não của họ vào cuối tháng 8 này. Công nghệ này có thể cung cấp truyền dữ liệu băng thông rộng tới não người thông qua cổng giao tiếp USB-C.
Giám đốc điều hành Tesla cho biết, những cải tiến công nghệ của Neuralink trong tương lai đối với cơ thể con người, bao gồm chữa bệnh trầm cảm và nghiện cũng như mở rộng phạm vi nghe ra ngoài tần số bình thường, thậm chí cho phép mọi người truyền nhạc trực tiếp đến não của họ.
Theo tỷ phú Elon Musk, những công nghệ này là điều cần thiết để con người có thể cạnh tranh với trí tuệ nhân tạo tiên tiến và cảnh báo rằng, AI có thể vượt qua con người trong 5 năm tới.
Theo ANH NGỌC (Báo Nhân Dân)