Ấm áp những nghĩa cử hỗ trợ học sinh khó khăn

05/10/2023 - 06:00

 - Với những học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chuyện đến trường không chỉ trăn trở học phí, tập vở, bảo hiểm… mà có cả những thiệt thòi nhỏ. Thấy được điều này, ở nhiều trường học đã thực hiện các mô hình nghĩa tình, ấm áp để tiếp thêm tinh thần cho các em vững bước, nỗ lực vượt lên hoàn cảnh học tập tốt hơn.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi được nhận bữa sáng trước khi vào giờ họ

No lòng để đến trường

Tại Trường THCS Nguyễn Trãi (TP. Long Xuyên), ý tưởng chia sẻ bữa ăn sáng cùng học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đề xuất bởi ban giám hiệu và công đoàn cơ sở. Mô hình được thực hiện từ năm học 2022 - 2023, giúp đỡ 35 em trong suốt 9 tháng học. Năm nay, được sự đồng ý của Chi ủy, hiệu trưởng, trường tiếp tục duy trì, vận động xã hội hóa chia sẻ suất ăn sáng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn với số lượng 34 em trên tổng số 2.085 học sinh toàn trường.

Chủ tịch công đoàn cơ sở Lâm Ngọc Thành cho biết, bữa ăn sáng của các em được chuẩn bị gồm các món luân phiên thay đổi hàng buổi từ thứ 2 đến thứ 7, như: Bánh mì trứng xúc xích, bánh canh thịt, cơm dương châu, mì xào thịt bằm, cơm tấm, hamburger xúc xích trứng... với giá 15.000 đồng/suất ăn. Kinh phí dự trù để duy trì mô hình trên trong năm học này trên 100 triệu đồng, bắt đầu thực hiện từ ngày 18/9/2023 cho đến hết năm học.

“Nhà trường đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Long Xuyên, UBND phường Mỹ Long và sự đồng hành ủng hộ đóng góp của nhiều nhà hảo tâm, phụ huynh học sinh... đối với mô hình này. Hiện nay, nhà trường nhận được khoảng 50 triệu đồng, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân để giúp cho các em có buổi sáng no lòng trước khi đến lớp” - thầy Thành chia sẻ.

Suốt 6 năm qua, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (huyện Chợ Mới) duy trì hoạt động mua nhu yếu phẩm giúp đỡ học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, động viên các em an tâm đến trường. Mô hình “Thầy, cô tương trợ học sinh” được khởi xướng bởi cô Trương Thị Mềm, dạy môn tiếng Anh, sau đó được nhiều đồng nghiệp hưởng ứng. Hàng tháng, giáo viên gặp nhau để góp tiền tùy theo khả năng. Số tiền quyên góp được sẽ tính toán, lên danh sách và mua nhu yếu phẩm, quà bánh tặng cho học sinh.

Mỗi em có một hoàn cảnh hoặc mồ côi cha mẹ hoặc cha mẹ đi làm ăn xa, kinh tế eo hẹp… nên hành trang đến trường ngoài sách vở còn có những lo toan, mặc cảm… Các thầy cô còn động viên học sinh để có thêm động lực vượt khó, cố gắng học tập. Nhờ vậy, 6 năm qua, trong số các em được hỗ trợ, nhiều em đã học hành đỗ đạt, có nghề nghiệp ổn định. Trân quý hơn, nhiều em còn trở lại trường để đóng góp một phần kinh phí gây quỹ hỗ trợ học sinh nghèo.

Tương trợ học sinh khó khăn

Em Nguyễn Văn Giàu, lớp 11A4, Trường THPT Nguyễn Khuyến (huyện Thoại Sơn) là trường hợp có hoàn cảnh khó khăn được giáo viên “tiếp sức” từ phong trào đỡ đầu học sinh. Cha bỏ đi từ khi em mới lọt lòng, nhà còn 3 mẹ con nương tựa, sống nhờ nghề buôn bán. Thuộc diện hộ nghèo nên 2 anh em Giàu được miễn học phí. Ngoài ra, những năm cắp sách đến trường, Giàu đều được thầy cô quan tâm giúp đỡ số tiền nhỏ để trang trải việc học.

“Từ bậc THCS em đã được thầy cô giúp đỡ và động viên rất nhiều, thường xuyên hỗ trợ tiền hàng tháng. Vào ngôi trường THPT, em tiếp tục được giáo viên nắm hoàn cảnh, hỗ trợ 200.000 đồng/tháng. Đó là tiền do các thầy cô đóng góp để giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh tương tự như em. Tình cảm của thầy cô và số tiền trao tặng giúp ích rất nhiều cho em trong việc học. Em càng có động lực để phấn đấu mỗi ngày tốt hơn” - em Nguyễn Văn Giàu bày tỏ.

Chủ tịch công đoàn cơ sở Trường THPT Nguyễn Khuyến Phạm Thái Ngọc cho biết, đầu năm học, ban giám hiệu và ban chấp hành công đoàn ký phối hợp thực hiện mô hình, với sự tham gia của các tổ công đoàn hỗ trợ đỡ đầu cho học sinh hoàn cảnh khó khăn. Các em được xét hỗ trợ theo hình thức xoay vòng học kỳ hoặc xuyên suốt cả năm học. Trong đó, có nhiều nội dung, như: Bảo hiểm y tế (mỗi năm khoảng 40 thẻ), tiền hàng tháng, đồng phục, học phẩm…

Năm học 2022 - 2023, giáo viên toàn trường đóng góp mô hình đỡ đầu học sinh khó khăn đã hỗ trợ hơn 18,6 triệu đồng. Mô hình này chủ yếu của giáo viên chia sẻ với học sinh của mình, còn các nguồn vận động đóng góp bên ngoài phục vụ các hoạt động khác. Song song với hỗ trợ, giáo viên còn theo dõi, báo cáo tình hình học tập, sự tiến bộ của các em với ban giám hiệu để kịp thời có những cách giúp đỡ, kềm cặp phù hợp.

Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Lưu Thị Thúy cho biết, năm học 2022 - 2023, có 1.070 tập thể và 2.275 cá nhân thuộc Liên đoàn Lao động huyện, thị xã, thành phố đã vận động đỡ đầu cho 5.463 học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường; có 145 tập thể và 210 cá nhân ở các công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn ngành Giáo dục nhận đỡ đầu cho 791 học sinh. Hình thức đỡ đầu cho học sinh rất đa dạng cả tinh thần lẫn vật chất, tùy vào hoàn cảnh của từng học sinh mà hỗ trợ.

Cụ thể, như: Đóng học phí, tặng thẻ bảo hiểm; hỗ trợ đồng phục học sinh, đồng phục thể dục, tập, sách giáo khoa, xe đạp, gạo, tiền mặt... với tổng số tiền ước tính 2,7 tỷ đồng. Trong phong trào này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã khen thưởng cho 15 tập thể tiêu biểu. Công đoàn ngành Giáo dục tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các công đoàn cơ sở trường học trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt phong trào đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường.

MỸ HẠNH