Nằm trên đường Nguyễn Trãi (phường Mỹ Long), có một bếp ăn luôn “đỏ lửa” yêu thương. Đây là mô hình cơm từ thiện mà ai có gạo góp gạo, ai có sức góp sức để đem tới những suất ăn ngon, miễn phí cho lao động nghèo, học sinh, sinh viên. Những suất ăn tuy nhỏ nhưng ấm áp tình người, phần nào vơi đi gánh nặng mưu sinh cho những mảnh đời còn nhiều khó khăn.
“Ban đầu, bếp ăn phục vụ tại chỗ, thời đó, sinh viên rất đông, đến phụ rất nhiều. Mỗi ngày, bếp nấu 1.200 - 1.300 suất ăn, với 150kg gạo, kinh phí từ các nhà hảo tâm chung sức hỗ trợ. Thuận lợi của bếp ăn là gần chợ. Biết việc làm ý nghĩa nên buổi chợ nào, chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ rau, củ, quả từ các bạn hàng nơi đây, duy trì bếp ăn nhiều năm qua. Sau cao điểm dịch COVID-19, bếp giảm từ 10 tổ nấu xuống 6 - 7 tổ, chủ yếu phát mang về, chứ không phục vụ tại chỗ như trước.
Các thành viên của tổ nấu cơm từ thiện đến từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh, như: Huyện Phú Tân, Chợ Mới (tỉnh An Giang), quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ), huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp)… Mỗi tổ đăng ký phục vụ trong 1 tuần và luân phiên, có 5 - 10 người/tổ” - Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo phường Mỹ Long Đinh Thị Thu thông tin.
Lặng lẽ đóng góp công sức cho bếp ăn từ thiện phường Mỹ Long hơn 10 năm qua, cô Đoàn Thị Cúc (sinh năm 1956, ngụ huyện Lấp Vò) khiêm tốn cho rằng, đó là việc làm nhỏ. Cô Cúc là bếp trưởng của tổ nấu ăn, công việc có thể nói là khá cực nhưng các thành viên trong tổ rất vui, vì được đóng góp sức mình mang lại bữa cơm ấm áp. Đến thời gian thực hiện công việc, cô ở hẳn một tuần để toàn tâm toàn ý phục vụ bếp ăn từ thiện.
Mỗi ngày nấu ăn, cô Cúc đều lưu mẫu thức ăn theo quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Bản thân cô và mọi người được tập huấn các lớp an toàn vệ sinh thực phẩm do địa phương tổ chức. “Dẫu phải thức khuya dậy sớm để chuẩn bị nấu ăn nhưng mọi người không nề hà công sức, chỉ biết rằng, còn sức khỏe thì còn cống hiến. Thấy mọi người trân trọng từng suất cơm nhận được và quay lại những lần sau, chúng tôi vui lắm” - cô Cúc bộc bạch.
Mỗi khi bếp lửa bập bùng, làn khói lan tỏa trên mái bếp cũng là lúc các thành viên trong nhóm bắt đầu công việc nấu cơm miễn phí vào mỗi buổi sáng. Tình yêu thương của mọi người dành cho người nghèo lan tỏa từ trái tim đến hạt cơm dẻo thơm, vào những món ăn đậm đà dư vị. Mỗi người một việc, người nhóm bếp, nhặt rau, người sơ chế đồ ăn để có được những suất cơm nóng, no lòng cho những người lao động, học sinh, sinh viên sau buổi sáng học tập, lao động vất vả.
Buổi sáng ở đây vô cùng sôi động và ấm áp tình người. Để có thể hoàn thành trên 1.000 suất cơm mỗi ngày, chỉ với khoảng 10 người tham gia nấu nướng đòi hỏi các thành viên phải cố gắng rất nhiều. Trong lúc mọi người còn chìm sâu trong giấc ngủ, các thành viên tổ nấu cơm từ thiện phường Mỹ Long đã tất bật chuẩn bị các công việc đến khi mặt trời ló dạng.
Dù đã bước sang tuổi 75, nhưng chú Lê Văn Tư (ngụ tỉnh Đồng Tháp) vẫn năng nổ lao động, đóng góp công sức cho bếp cơm ở đây. Chú không ngại làm những công việc nặng nhọc, như: Khiêng vác đồ nặng, thức khuya chuẩn bị nguyên vật liệu…
“Hơn 10 năm gắn bó với bếp ăn, tôi rất vui vì mình còn khỏe, còn làm được việc có ích cho xã hội. Tất nhiên, tôi sẽ đóng góp sức mình, cùng mọi người duy trì bếp ăn ý nghĩa này đến khi không còn khả năng mới thôi” - chú Tư khẳng định.
“Thời gian đầu, bếp ăn hoạt động khá khó khăn, thiếu thốn nhiều thứ. Lâu dần, nhận được sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình từ các tình nguyện viên, trong đó có nhiều bạn trẻ là sinh viên, cũng như các cô chú lớn tuổi đến từ nhiều nơi, bếp đã dần ổn định và phát triển như ngày nay. Các nhà hảo tâm luôn sẵn lòng “tiếp lửa” để bếp ăn luôn đỏ lửa. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì đó không chỉ là sự ủng hộ về mặt vật chất mà còn là tinh thần, giúp bếp ăn trao yêu thương đến với nhiều người” - cô Thu bộc bạch.
Mỗi người tham gia bếp cơm từ thiện phường Mỹ Long đều có một hoàn cảnh cuộc sống khác nhau. Nhiều người cũng vất vả trăm bề với cuộc sống riêng, nhưng với tâm niệm sẻ chia khó khăn cùng người nghèo, bếp cơm từ thiện luôn được duy trì...
PHƯƠNG LAN